Hổ

Trong thế kỷ trước, có khoảng 100.000 con hổ sống tự nhiên trong các khu rừng, đầm lầy và lãnh nguyên rộng lớn trên khắp lục địa châu Á. Đến nay, chỉ còn ít hơn 4.000 cá thể hổ trong tự nhiên. Trong hơn 100 năm qua, loài hổ đã biến mất khỏi hầu hết các khu vực này và chỉ còn diện tích phân bố dưới 6% so với trước đây.

Hổ được tìm thấy chủ yếu ở các khu rừng nhiệt đới châu Á, mặc dù trước đây chúng thường sinh sống ở các vùng đất khô và lạnh hơn. Một lãnh thổ rộng lớn với nhiều loài sinh vật có móng guốc sinh sống như heo rừng, hươu, nai, v.v là yêu cầu chính về môi trường sống để hổ sinh sống và phát triển.

Trên thế giới, hổ được chia thành 9 phân loài khác nhau, và tất cả các loài này đều nằm trong danh mục nguy cấp theo xếp loại của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) kể từ năm 1986. Ở Việt Nam, có hổ Đông Dương (hay còn gọi là hổ Corbet) sinh sống. Loài hổ này cũng phân bổ ở Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Tây Nam Trung Quốc. Sự sụt giảm mạnh về số lượng đang đẩy loài hổ Đông Dương tới gần nguy cơ tuyệt chủng, hiện ở ngưỡng cực kỳ nguy cấp. Các nhà khoa học ước tính còn khoảng 250 cá thể hổ Đông Dương trong tự nhiên. Tại Việt Nam, lần gần nhất ghi nhận sự xuất hiện của hổ qua các bẫy ảnh đã từ năm 1997.

Các mối đe dọa

Nạn săn bắn lấy các bộ phận cơ thể hổ và sự suy giảm môi trường sống của loài này là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của loài hổ. Hổ đang bị săn bắt đến tuyệt chủng để lấy da, xương, răng và móng sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền hoặc để làm đồ trang sức. Mặc dù tất cả các quốc gia đã cấm sử dụng và sản xuất cao hổ, việc sản xuất cao hổ trái pháp luật vẫn diễn ra ở một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Malaysia, và Việt Nam.

Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ hổ, đồng thời đóng vai trò trung chuyển sang các thị trường khác, bao gồm Trung Quốc. Số liệu từ các vụ bắt giữ đã chứng minh, trong nhiều trường hợp, hổ bị nghi ngờ có nguồn gốc từ các quốc gia khác như Lào, Thái Lan, Malaysia...

Chúng tôi đang làm gì?

WCS Việt Nam làm việc với các cơ quan của chính phủ Việt Nam, hỗ trợ xây dựng năng lực và cung cấp thông tin về chính sách nhằm nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Chúng tôi nghiên cứu về các đường dây buôn bán, các địa điểm buôn bán/chế biến động vật hoang dã trái pháp luật, và chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật để điều tra và ngăn chặn.

Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu, giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã; khả năng lây truyền bệnh giữa người và động vật hoang dã.
Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật ở cả cấp trung ương và địa phương, trong đó có cảnh sát và kiểm lâm, cũng như hỗ trợ kỹ thuật như cung cấp thông tin, kỹ năng giám định loài, tư vấn về pháp luật nhằm mục tiêu triệt phá các mạng lưới tội phạm lớn.

 

Nguồn:

Sanderson, E., Forrest, J., Loucks, C., Ginsberg, J., Dinerstein, E., Seidensticker, J., Leimgruber, P., Songer, M., Heydlauff, A., O'Brien, T., Bryja, G., Klenzendorf, S., Wikramanayake, E. (2006). The Technical Assessment: Setting Priorities for the Conservation and Recovery of Wild Tigers: 2005–2015. WCS, WWF, Smithsonian, and NFWF-STF, New York and Washington, DC, USA.

Lynam, A.J. & Nowell, K. 2011. Panthera tigris ssp. corbetti. The IUCN Red List of Threatened Species 2011: e.T136853A4346984. www.iucnredlist.org. Downloaded on 07 July 2017.

Copyright 2007-2021 by Wildlife Conservation Society

WCS, the "W" logo, WE STAND FOR WILDLIFE, I STAND FOR WILDLIFE, and STAND FOR WILDLIFE are service marks of Wildlife Conservation Society.

Contact Information
Address: 2300 Southern Boulevard Bronx, New York 10460 | (718) 220-5100