Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 2/3 (60,3%) các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở trên người có nguồn gốc từ động vật và khoảng 3/4 (71,8%) trong số này là có nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD). Sự xâm phạm của con người vào môi trường sống tự nhiên của ĐVHD, cùng với sự gia tăng của hoạt động gây nuôi ĐVHD và buôn bán thú cảnh đã tạo cơ hội cho dịch bệnh lây truyền từ ĐVHD sang con người. Đại dịch toàn cầu COVID-19 gần đây cũng được cho rằng có nguồn gốc từ ĐVHD.
Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD và gây nuôi thương mại ĐVHD là mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của con người cũng như động vật nuôi thông thường vì các trang trại nuôi ĐVHD và chủ buôn thường không thực hiện theo tiêu chuẩn về quy trình vệ sinh và chăm sóc sức khỏe động vật như các trại nuôi động vật thông thường. Trong khi đó, tình hình sức khỏe của ĐVHD bị buôn bán trái pháp luật tại Việt Nam thường không được kiểm tra. Nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ, do đó ngăn chặn nguy cơ lây truyền dịch bệnh là lý do xác đáng để phòng chống nạn buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
Đội ngũ bác sĩ thú y của WCS Việt Nam phối hợp với các viện/đơn vị nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam, các đối tác của chương trình Một sức khỏe để thực hiện nghiên cứu, giám sát dịch bệnh và phát hiện khả năng truyền lây bệnh giữa động vật nuôi thông thường, ĐVHD và con người tại “những khu vực được cho là có nguy cơ cao”. Các khu vực này bao gồm những nơi buôn bán ĐVHD, nhà hàng kinh doanh thịt thú rừng, trang trại ĐVHD, trung tâm cứu hộ và bảo tồn ĐVHD và những khu vực có ĐVHD xuất hiện trong và xung quanh nơi ở của con người.
Đồng thời, WCS Việt Nam đẩy mạnh triển khai giám sát bị động và chủ động một số dịch bệnh trên ĐVHD cùng với việc tổ chức các khóa tập huấn cho cán cán bộ kiểm lâm, cán bộ Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và cán bộ thú y cấp tỉnh/huyện về báo cáo ca bệnh/chết trên ĐVHD và xây dựng quy trình giám sát sức khỏe ĐVHD với mục tiêu xây dựng và tối ưu hóa các hệ thống quản lý, giám sát sức khỏe ĐVHD.
Một số kết quả nổi bật
- Hợp tác với các đối tác chính phủ xây dựng chiến lược hoặc quy trình chuẩn quốc gia (SOP) để triển khai hệ thống giám sát sức khỏe ĐVHD hiệu quả tại Việt Nam;
- Đánh giá hệ thống giám sát/quản lý ĐVHD hiện nay nhằm xác định cơ hội để bổ sung thêm hợp phần về ĐVHD, đặc biệt tại các khu vực tương tác giữa con người và ĐVHD có nguy cơ cao;
- Thiết lập cơ chế hợp tác thực tiễn và bền vững cho mạng lưới đối tác nhằm chung sức xây dựng hệ thống giám sát sức khỏe ĐVHD tại Việt Nam;
- Tiến hành giám sát dịch bệnh trên ĐVHD đối với các mầm bệnh đặc biệt nguy hiểm. Đặc biệt, tiến hành khảo sát các mầm bệnh nguy hiểm được chọn bao gồm Rickettsia prowazekii, Yersinia pestis, vi-rút corona, vi-rút Dịch tả lợn châu Phi, và vi-rút Cúm gia cầm;
- Tổ chức tập huấn cho các cán bộ kiểm lâm, cán bộ vườn quốc gia và khu bảo tồn, cán bộ phòng thí nghiệm, cán bộ quản lý ĐVHD, bác sĩ thú y, và các tổ chức địa phương khác. dự án PREDICT đã hỗ trợ tổ chức tập huấn cho hơn 200 cán bộ nhà nước tại Việt Nam (2014-2019)
- Dự án đã tiến hành thu mẫu trên hơn 6,700 người và cá thể động vật trong hoạt động giám sát Một Sức khỏe nhằm hỗ trợ giảm thiểu các mối đe dọa lây truyền bệnh từ động vật sang người. Khoảng 35,370 xét nghiệm đã được thực hiện. Dự án đã phát hiện 44 vi rút, trong số đó có 18 vi rút đã biết và 26 vi rút mới chưa từng được phát hiện trước đó.
- Bài báo về “Xét nghiệm vi rút Corona- chỉ ra nguy cơ lây truyền gia tăng dọc theo chuỗi cung ứng ĐVHD cho con người tại Việt Nam, 2013-2014” đã được đăng trên tạp chí PLOS ONE ngày 10/08/2020.
- Chẩn đoán 1235 mẫu thu thập trên 1079 cá thể ĐVHD thuộc các loài dơi, thú ăn thịt nhỏ và tê tê nhằm phát hiện vi rút Corona và SARS-COV-2 ( gây bệnh COVID-19) và đã phát hiện 4 vi rút thuộc họ Coronavirus (2020)
- Chẩn đoán 587 mẫu huyết thanh trên người tiếp xúc với ĐVHD tại tỉnh Đồng Nai và Hà Nội và phát hiện 2 mẫu dương tính với virus Corona