Wildlife Trade News


Việt Nam là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn 

 

Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia được xem là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. Theo tổ chức WildAid Việt Nam, chỉ trong 40 năm qua số lượng tế giác đã giảm tới 95 %, chỉ còn 25 nghìn cá thể tê giác trong tự nhiên. Nam Phi là quốc gia sở hữu tới 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới tuy nhiên chỉ trong năm 2014 có tới 1,215 cá thể tê giác bị giết hại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các nước Châu Á trong đó có Việt Nam, tăng gần 100 lần so với năm 2007. Nạn thảm sát tê giác ở Nam Phi không có chiều hướng suy giảm mà thậm chí ngày càng khốc liệt hơn. Theo thống kê mỗi ngày tại Nam Phi mất đi 3 cá thể tê giác. 

Tại Việt Nam, cá thể tê giác cuối cùng đã bị giết năm 2010 để lấy sừng. Các chuyên gia bảo tồn trên thế giới cảnh báo rằng các loài tê giác trên thế giới sẽ có thể bị tuyệt chủng trong 6 năm nữa nếu nạn thảm sát tê giác không được ngăn chặn kịp thời. Vì thế, việc buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác phi pháp tại Việt Nam cần được chấm dứt vừa để góp phần bảo vệ các loài tê giác, vừa để cải thiện hình ảnh Việt Nam trên thế giới.

Mỗi con tê giác mất đi không chỉ ảnh hưởng tới một con tê giác đó mà ảnh hưởng tới cả quần thể tê giác, khả năng sinh sản bị giảm sút, các con con của tê giác chết vì không có mẹ.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện K trung ương cho biết hiện nay ở Việt Nam người ta vẫn nghĩ rằng sừng tê giác chữa được bệnh ung thư và ai cũng cố gắng mua lấy 1 chút rồi mài ra đĩa lấy thứ nước trắng trắng uống với hi vọng thần dược. 

Tuy nhiên, bác sĩ Linh cho biết sừng tê giác chỉ như móng tay người, nó là chất sừng thông thường chứ không phải là thần dược như mọi người vẫn nghĩ. Hiện nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu cho rằng sừng tê giác do chất sừng karatin tạo ra, một chất sừng có ở tóc và móng tay của người. Vì thế, sừng tê giác không phải là thuốc tiên.

Sừng tê giác không thể chữa bệnh

Giáo sư Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K – Phó chủ tịch hội Ung thư Việt Nam cho biết tại Việt Nam người bệnh đến bệnh viện muộn cho nên tỷ lệ được phát hiện sớm còn rất thấp, khả năng điều trị hạn chế, ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Ai đã bị bệnh ung thư đều có tâm lý hoảng hốt, lo lắng, có bệnh thì vái tứ phương nên tất cả những gì từ cúng bái, thuốc đông, thuốc tây đều nghe theo. Từ uống nước lã, nhịn ăn, uống lá đu đủ, mật gấu, nhựa đu đủ, cóc đến đủ các loại nấm linh chi, nấm lim xanh... Trong khoảng độ 5, 7 năm nay rộ lên sừng tê giác. Đó cũng là tâm lý của con người ai mách gì thử vậy.

Giáo sư Đức chia sẻ vào năm 2012, một phóng viên của cơ quan thông tấn quốc tế UPI, một hàng thông tấn nổi tiếng của Mỹ, đã sang tận Việt Nam và vào bệnh viện K trung ương gặp trực tiếp bác sĩ Đức phỏng vấn. Giáo sư Đức nhớ mãi câu hỏi của cô phóng viên ấy: “Có phải các thầy thuốc ở Việt Nam có chủ trương chữa ung thư bằng sừng tê giác không? Họ muốn thực hư xem thế nào? Có phải sừng tê giác được quốc gia, thầy thuốc khuyến khích không? Lúc ấy tôi hiểu 1 điều dư luận Việt Nam dùng sừng tê giác chữa ung thư nổi khắp truyền thông thế giới”.

Hơn 40 năm gắn bó với ngành y, giáo sư Đức tâm sự, lúc ấy ông hơi giật mình, bàng hoàng. “Tôi nói rằng nên y tế Việt Nam cũng phát triển như các nước trên thế giới, đang theo các nền y tế hiện đại nhất từ phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và thuốc. Còn các phương pháp không chính thống đó chỉ là lan truyền nhau ngoài xã hội mà đối với thầy thuốc chúng tôi là điều rất bức xúc. Vì người bệnh khi bị bệnh họ có thể nghe bất kỳ lời khuyên nào, thậm chí bà lang mù còn bán thuốc ung thư. Lời nói không mất tiền mua nên người ta cứ nói đại và ai cũng trở thành người chữa ung thư và thầy thuốc”.

Giáo sư Đức cho biết ông đi rất nhiều quốc gia trên thế giới và chuyện dùng sừng tê giác và các phương pháp phản khoa học chữa ung thư, chỉ có hai nước là Trung Quốc và Việt Nam. 

Giáo sư Đức cho biết việc sử dụng các phương pháp phản khoa học như dùng sừng tê giác trong thời gian vàng là rất đáng tiếc.

Khánh Ngọc

[Read More...]

Related Images

Sừng tê giác không chữa được bệnh ung thư

Copyright 2007-2021 by Wildlife Conservation Society

WCS, the "W" logo, WE STAND FOR WILDLIFE, I STAND FOR WILDLIFE, and STAND FOR WILDLIFE are service marks of Wildlife Conservation Society.

Contact Information
Address: 2300 Southern Boulevard Bronx, New York 10460 | (718) 220-5100