Các điểm “trú ngụ” của dơi, khu vực thu nhặt phân dơi và các trang trại chăn nuôi lợn ở khoảng cách gần nhau, cộng hưởng với sự đa dạng của các chủng vi-rút corona (CoV) đang lưu hành cho thấy nguy cơ lây lan vi-rút corona giữa dơi, lợn và người ở mức cao.
--Đọc đầy đủ nghiên cứu tại đây--
Cán bộ dự án PREDICT thu thập mẫu phân dơi tại khu thu nhặt phân dơi tỉnh Đồng Tháp, tháng 6/2018
Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2023 – Nghiên cứu mới do Wildlife Conservation Society (WCS) thực hiện đã xác định khu vực có các chuồng dựng lên làm nơi trú ngụ cho dơi và các điểm thu nhặt phân dơi đều ở rất gần với các trang trại chăn nuôi lợn là điểm nóng có nguy cơ làm lây truyền vi-rút ở Việt Nam. Thông qua phương pháp nghiên cứu Một sức khỏe, các kết quả nghiên cứu được chia sẻ trên số mới nhất của tạp chí Viruses mang ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng và công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực thú y, sức khỏe cộng đồng và môi trường đã thu thập hơn 1,600 mẫu sinh phẩm từ động vật và từ người tại khu vực thu nhặt phân dơi, điểm trú ngụ tự nhiên của dơi và trang trại chăn nuôi lợn để tiến hành xét nghiệm sàng lọc với nhiều loại vi-rút khác nhau, bao gồm vi-rút corona, vi-rút cúm, vi-rút filo và một số họ vi-rút khác.
Nghiên cứu đã tìm thấy nhiều chủng vi-rút có trên dơi tại các khu vực có sự tiếp xúc giữa người và động vật, trong đó có vi-rút corona. Loại vi-rút này có mối liên hệ mật thiết về mặt di truyền với nguồn gốc của mầm bệnh gây bệnh trên lợn, có khả năng lây truyền vi-rút giữa các trang trại chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn chưa xác định được chính xác khả năng lây lan dịch bệnh giữa các loài động vật bởi vẫn chưa đánh giá được đầy đủ các đặc tính và khả năng “vượt rào” của các loại vi-rút này để có thể lây truyền giữa các loài khác nhau.
Các mẫu sinh phẩm thu thập trên người cũng được tiến hành xét nghiệm để tìm kháng thể với 8 nhóm vi-rút. Với số lượng mẫu nhỏ nên các xét nghiệm chưa phát hiện được bất cứ vi-rút nào từ dơi đang lưu hành trong cộng đồng người dân sống gần hang dơi và nơi thu nhặt phân dơi. Nhưng khi tiến hành một số các xét nghiệm khác, kết quả xét nghiệm lại cho thấy có thể một số người dân sống tại các khu vực kể trên đã từng tiếp xúc với vi-rút Marburg, vi-rút sốt xuất huyết Crimean-Congo và một số vi-rút khác.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không thể dừng công việc thu nhặt phân dơi làm phân bón, những người tham gia thu thập phân dơi cần sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) đầy đủ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải thực hiện đánh giá tác động của việc thu nhặt phân dơi đối với công tác bảo tồn dơi cũng như nguy cơ làm mất đi vai trò quan trọng của loài dơi đối với hệ sinh thái. Dơi đóng vai trò là loài thụ phấn hoa và ăn các động vật chân đốt mang mầm bệnh (như côn trùng), sâu bọ gây hại cho nông nghiệp, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái.
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức WCS - Chương trình Việt Nam, đồng tác giả của bài nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy những nguy cơ của hoạt động thu nhặt phân dơi tới sức khỏe cộng đồng, và nguy cơ lây lan vi-rút từ động vật hoang dã sang động vật nuôi thông thường và cuối cùng là sang con người. Việc tiến hành giám sát và phát hiện sớm các điểm nóng lây truyền vi-rút là chìa khóa để ngăn chặn các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.”
Nghiên cứu này là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm triển khai giám sát Một Sức Khỏe tại Việt Nam - quốc gia nằm trong khu vực được coi là một trong những điểm nóng toàn cầu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Một Sức Khỏe là cách tiếp cận tích hợp, thống nhất nhằm cân bằng một cách bền vững và tối ưu giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe của hệ sinh thái. Chìa khóa của phương pháp tiếp cận Một Sức Khỏe là việc ghi nhận sức khỏe của con người, vật nuôi, động vật hoang dã và môi trường đều có mối liên hệ với nhau.
Các tác giả chỉ ra sự cần thiết phải tích hợp kiến thức chuyên môn về động vật hoang dã vào kế hoạch giám sát dịch bệnh theo phương pháp tiếp cận Một Sức Khỏe trong tương lai và mở rộng kiến thức về động vật hoang dã (quần thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên, gây nuôi động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã). Những kiến thức về động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các địa điểm giám sát dịch bệnh, phân tích dữ liệu và xây dựng các biện pháp can thiệp cần thiết để ngăn chặn sự xuất hiện của vi-rút mới cũng như chuẩn bị và ứng phó hiệu quả với các vi-rút có khả năng bùng phát gây đại dịch.
-------------------------------------------------------------------------
Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Stephen Sautner
Wildlfie Conservation Society
SĐT: +1 908 247 2585
Email: ssautner@wcs.org
Nguyễn Quỳnh Anh - Cán bộ truyền thông, WCS Việt Nam
Phòng 106, nhà D, khu biệt thự Thành Công, số 3, phố Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội
Tel: +84 (0) 24 3514 9750
SĐT: +84 (0) 964864164
Email: anguyen@wcs.org
Về WCS:
WCS hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các cơ quan chức năng liên quan tại Việt Nam để đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã. WCS ưu tiên một số lĩnh vực hoạt động chủ chốt nhằm tác động đến các mạng lưới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam phòng, chống và đấu tranh hiệu quả đối với loại tội phạm này.
Website: https://vietnam.wcs.org/
Email: wcsvietnam@wcs.org