Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9/9/2022 - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Wildlife Conservation Society (WCS) – Chương trình Việt Nam phối hợp với Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, trường Đại học Luật – Đại học Huế tổ chức hai phiên tòa giả định “Xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Các phiên tòa giả định được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.
Sinh viên tham dự diễn án tại phiên tòa giả định, TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2022
Tham dự sự kiện có PGS. TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng Trường đại học Luật, Đại học Huế, bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc quốc gia của Tổ chức WCS Việt Nam và hơn 100 giảng viên, sinh viên của ba trường Đại học cũng như đông đảo các bạn sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học tham dự trên nền tảng trực tuyến.
PGS. TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc Phiên tòa giả định, TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2022
Phát biểu khai mạc tại Phiên tòa giả định diễn ra sáng nay, PGS. TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh “...Kể từ khi tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) vào năm 1994, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách khung pháp lý về bảo vệ ĐVHD qua việc sửa đổi và ban hành rất nhiều văn bản pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật ĐVHD vẫn diễn ra phức tạp, phải chăng do hoạt động thực thi pháp luật chưa hiệu quả, hay các chế tài chưa đủ tính răn đe, hay đâu đó vẫn còn trường hợp “du di, thông cảm” khi xử lý vi phạm?...”. “...Việc đưa nội dung bảo vệ pháp luật ĐVHD trong chương trình đào tạo sẽ giúp các em sinh viên nhận thức rõ trách nhiệm với xã hội. Sử dụng hình thức học tập thông qua phiên tòa giả định không chỉ giúp các em sinh viên được thực nghiệm, học hỏi, trao đổi mà còn là cơ hội để giảng viên điều chỉnh các chương trình đào tạo tốt hơn đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội…”
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc quốc gia của Tổ chức WCS Việt Nam cũng cho biết: “Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội cùng với WCS thực hiện năm 2022 cho thấy việc lồng ghép nội dung pháp luật về bảo vệ ĐVHD vào chương trình đào tạo luật ở Việt Nam có thể trở thành xu thế tất yếu trước thực trạng vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD đáng báo động và nhu cầu nguồn nhân lực của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong lĩnh vực pháp luật bảo vệ ĐVHD. Ghi nhận kết quả trao đổi tại 20 cơ sở đào tạo luật, nội dung pháp luật bảo vệ ĐVHD chưa được đề cập nhiều, vì vậy, phiên tòa giả định này không chỉ là cơ hội giúp các bạn sinh viên tham gia có cơ hội tìm hiểu và thực hành áp dụng kiến thức và kỹ năng vào quá trình xét xử vụ án hình sự vụ án liên quan đến ĐVHD mà còn là học liệu quý giá của các trường tham gia, đồng thời truyền tải thông điệp giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ ĐVHD rộng rãi trong sinh viên.”
Sinh viên đóng vai đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa giả định đầu tiên, TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2022
Bắt đầu từ đầu tháng 8/2022, cuộc thi phiên tòa giả định đã thu hút gần 150 bạn sinh viên của ba trường đại học đăng ký tham gia. Tại vòng sơ tuyển, các bạn sinh viên phải chuẩn bị bài luận thể hiện mối quan tâm với hoạt động bảo vệ ĐVHD và hoạt động phiên tòa giả định. Sau vòng thi này, 60 sinh viên với bài luận đạt yêu cầu tiếp tục bốc thăm một trong năm vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm và quay video trình bày về những vấn đề chứng minh trong vụ án.
Các vòng thi này đã giúp các bạn sinh viên bước đầu tìm hiểu các kiến thức bảo tồn ĐVHD, và pháp luật bảo vệ ĐVHD; đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ ĐVHD. Sau quá trình tuyển chọn, gần 30 sinh viên xuất sắc đã tiếp tục tham gia các khóa tập huấn kiến thức và kỹ năng theo từng nhóm vị trí cho từng chức danh tư pháp gồm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trước khi tham gia phiên tòa giả định tại TP. Hồ Chí Minh. Cũng trong vòng 07 ngày tham gia các khóa tập huấn, các sinh viên nói trên cũng được tiếp cận 02 hồ sơ vụ án đã được xét xử liên quan đến các hành vi nuôi, nhốt và săn bắt, giết mổ trái pháp luật động vật nguy cấp, quý, hiếm. Không theo một kịch bản có sẵn, các sinh viên tự nghiên cứu hồ sơ, xây dựng bản xét hỏi và bản luận tội, bào chữa, cáo trạng với sự tham vấn của các thầy cô, chuyên gia đến từ các cơ sở đào tạo luật uy tín và cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn trong xét xử các vụ án hình sự, đặc biệt các vụ án liên quan đến ĐVHD. Kết thúc tập huấn, các bạn sinh viên bốc thăm các vị trí tố tụng tại phiên tòa, mỗi phiên tòa đều có sự tham gia của sinh viên của cả ba trường.