Tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia Châu Phi trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia về buôn bán động vật hoang dã
Hà Nội, ngày 23-24 tháng 9 năm 2021, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS), Chương trình Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với một số quốc gia châu Phi trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia về buôn bán động vật hoang dã”. Chương trình có sự tham gia của gần 150 đại biểu tham dự đến từ các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam; Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân một số tỉnh/thành phố có cảng biển, cảng hàng không và đường biên giới tại Việt Nam; Cơ quan Tổng chưởng lý Mozambique, công tố viên một số tỉnh của Mozambique; Cục giám sát và tuân thủ, Bộ Môi trường, lâm nghiệp và thủy sản Nam Phi; Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam; các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Hội thảo tập trung thảo luận về những khó khăn, thách thức và giải pháp từ các góc độ và cách tiếp cận khác nhau nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong xử lý các loại tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến các nước châu Phi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (ĐVHD) từ Nam Phi và Mozambique về Việt Nam.
Các diễn giả tham dự phiên hội thảo ngày 23/9/2021, ©WCS
Nam Phi và Mozambique là hai điểm nóng trong tuyến buôn bán trái pháp luật ĐVHD từ các nước châu Phi về châu Á. Theo ghi nhận của WCS từ những nguồn thông tin mở, trong giai đoạn từ 2017-2021, trong số 47 vụ bắt giữ liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê và ngà voi có nguồn gốc từ các nước châu Phi và điểm đến là Việt Nam, có tới 18 vụ cho thấy mối liên hệ giữa Việt Nam, Nam Phi và Mozambique. Chính vì vậy, đấu tranh với loại tội phạm xuyên quốc gia này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia này với nhau.
Trong hai ngày hội thảo, các đại biểu được cập nhật thông tin về tình hình buôn bán trái pháp luật ĐVHD từ một số quốc gia châu Phi, bao gồm Nam Phi và Mozambique về Việt Nam; kinh nghiệm thực tiễn trong xử lý các vụ việc buôn bán trái pháp luật ĐVHD liên quan đến người Việt Nam tại Mozambique và Nam Phi; hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi trong bàn giao mẫu vật giám định, xác định nguồn gốc xuất xứ phục vụ công tác điều tra tội phạm. v.v. Đại diện của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan Tổng chưởng lý Mozambique chia sẻ những khó khăn trong thực tiễn hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong đấu tranh, xử lý các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Các đại biểu cũng có thời gian và cơ hội thảo luận những giải pháp phòng, chống tội phạm và tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lý tội phạm buôn bán ĐVHD liên quan đến các nước châu Phi. Những đóng góp, chia sẻ và thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy các nghiên cứu pháp lý về hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tương trợ tư pháp trong quá trình giải quyết những vụ án buôn bán trái pháp luật ĐVHD có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam và Nam Phi, Mozambique.
Ông Albino Macamo, Phó Tổng chưởng lý phụ trách các vấn đề về môi trường, Cơ quan Tổng chưởng lý Mozambique cho biết “Buôn bán ĐVHD trái pháp luật là hoạt động buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia, với lợi nhuận hàng tỷ đô mỗi năm. Nó cũng gây ra tình trạng tham nhũng, đe dọa đa dạng sinh học và có thể ảnh hưởng đến chính sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Hơn nữa, ngoài các yếu tố của các cơ chế chính sách, các nỗ lực hợp tác quốc tế cũng đòi hỏi một số yếu tố để phát huy tác dụng. Và bản thân mỗi quốc gia phải cam kết thực hiện các biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề thách thức toàn cầu này. Sau những hội thảo như thế này, các cuộc đối thoại song phương và đa phương cần thiết để tổ chức thường xuyên hơn. Nó sẽ góp phần vào việc thông qua hay tham gia vào các cơ chế điều phối đa phương.”
Ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Mozambique, Maputo, tháng 12/2018, ©WCS
Bà Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc “Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh các tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm về buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) nói riêng từ một số quốc gia Châu Phi về Việt Nam đang là vấn đề nóng hiện nay. Chính vì vậy, hội thảo này không chỉ có có ý nghĩa về mặt lý luận mà có ý nghĩa về mặt thực tiễn rất lớn khi chúng ta đã cùng nhau hình thành được một diễn đàn đa phương trao đổi các vấn đề của khoa học pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp tác quốc tế trong giải quyết, xử lý các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia.”
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia, tổ chức WCS Việt Nam chia sẻ “WCS cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế và tăng cường chia sẻ thông tin và kiến thức để góp phần giải quyết tội phạm xuyên quốc gia. Chúng tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ là các nhân tố thay đổi, làm cho Việt Nam là điểm trung chuyển và điểm đến nhưng KHÔNG phải về buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã mà là nơi các loài quý hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng được bảo tồn và đa dạng sinh học được tái tạo.”
Tập huấn nâng cao năng lực truy tố các vụ án về động vật hoang dã cho Kiểm sát viên Việt Nam và Công tố viên Mozambique, Hà Nội, tháng 3/2019, ©WCS
Hội thảo tổ chức với sự hỗ trợ của Cục Đặc trách chất gây nghiện và Thực thi pháp luật quốc tế (INL), Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông qua dự án “Tăng cường hợp tác thực thi pháp luật giữa Mozambique, Nam phi và Việt Nam nhằm phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.”
-------------------------------------------------------------------------
Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Chị Nguyễn Thị Trang Nguyên
Trưởng nhóm Truyền thông
WCS, Chương trình Việt Nam
106, nhà D, số 3, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024 3514 9750
Di động: 038 992 9348
Email: ntnguyen@wcs.org
Về WCS:
WCS hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006, tập trung tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các cơ quan chức năng tại Việt Nam và hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý để đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã. WCS ưu tiên một số lĩnh vực hoạt động chủ chốt nhằm tác động đến các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam ở mọi cấp độ, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam phòng, chống và đấu tranh hiệu quả đối với loại tội phạm này.
Website: https://vietnam.wcs.org/
Email: wcsvietnam@wcs.org
Về Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN):
Khoa Luật ĐHQGHN là khoa trực thuộc ĐHQGHN. Tính đến năm 2021, Khoa Luật đã có 45 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Luật luôn được biết đến là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu luật uy tín hàng đầu của Việt Nam, là địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và là nơi hội tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết, là cơ sở đào tạo tiên phong trong lĩnh vực kiểm định chương trình đào tạo với nhiều chương trình đào tạo ở bậc đại học và sau đại học đã được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN – mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.
Website: https://law.vnu.edu.vn/
Hình ảnh sự kiện: link