Tin vui đối với loài rùa năm 2020
Kết quả xét nghiệm gen được công bố bởi các nhà khoa học đã khẳng định rằng cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10 năm 2020 là loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei), loài rùa mai mềm đang gần bên bờ tuyệt chủng
Loài rùa này còn có tên gọi là Giải Sin-hoe - Rùa Hoàn Kiếm
Phát hiện này cho thấy hiện nay, chúng ta có ít nhất một cá thể đực và một cá thể cái
Chính phủ Việt Nam đang đi đầu trong các nỗ lực ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài rùa mai mềm - Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei), cùng với tổ chức ATP/IMC, tổ chức WCS và các đối tác khác
Ảnh tại ĐÂY
Cận cảnh đầu và vân của rùa Hoàn Kiếm. Ảnh: WCS Việt Nam
Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), cùng với sự phối hợp của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) và tổ chức WCS, đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei - Giải Sin-hoe). Tại buổi hội thảo hôm nay, các nhà khoa học đã công bố kết quả xét nghiệm gen để khẳng định cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10 năm 2020 chắc chắn là loài rùa Hoàn Kiếm, hay còn gọi là Giải Sin-hoe, tên khoa học là Rafetus swinhoei.
Sự khẳng định này cho thấy ngoài cá thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) đực hiện đang sống tại vườn thú Tô Châu, Trung Quốc; chúng ta giờ đã có thêm một cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10 năm 2020 tại hồ Đồng Mô, Hà Nội, Việt Nam. Cơ quan chức năng tin rằng vẫn còn có ít nhất một cá thể của loài này ở hồ Đồng Mô và một cá thể nữa ở hồ Xuân Khanh gần đó. Các nhà bảo tồn hy vọng có thể bẫy bắt và xác định giới tính của các cá thể rùa ở cả hai hồ Đồng Mô và Xuân Khanh trong mùa xuân tới. Trên hết, các nhà bảo tồn hướng tới mục tiêu đảm bảo ít nhất một cá thể đực và một cái thể cái có cơ hội ghép đôi sinh sản, nhằm vực dậy loài này từ bên bờ vực tuyệt chủng.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, phát biểu “Sở NN&PTNT xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải thực hiện hiệu quả. Sở NN&PTNT đã tham mưu với UBND thành phố để ban hành các văn bản chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức quốc tế bước đầu thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển các cá thể Giải sin-hoe. Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục thực hiện Kế hoạch 200 của UBND TP Hà Nội để khôi phục và bảo tồn loài rùa mai mềm nguy cấp quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới."
Ông Timothy McCormack, Giám đốc Chương trình của ATP / IMC cho biết: “Tôi đã vô cùng vui sướng khi hay tin cá thể rùa đã được bẫy, bắt thành công vào tháng 10 vừa qua. Sự thành công này rất quan trọng trong việc cung cấp thêm các dữ liệu bổ sung về loài rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. Bước tiếp theo sẽ là bẫy, bắt cá thể rùa ở hồ Xuân Khanh. Đối với tôi điều này còn quan trọng và mang nhiều ý nghĩa hơn nữa vì chúng ta hiện chưa biết giới tính của cá thể rùa này. Tùy thuộc vào giới tính của cá thể rùa ở Xuân Khanh, chúng ta sẽ có lựa chọn tối ưu để thực hiện công tác nhân giống bảo tồn tại Việt Nam và đưa loài thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng. Đó sẽ là một phép màu và tôi hy vọng điều đó sẽ thành hiện thực.”
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia, tổ chức WCS Việt Nam chia sẻ: “Trong một năm đầy rẫy những biến động và tin buồn về dịch bệnh trên toàn thế giới, việc phát hiện ra cá thể cái này mang tới niềm hy vọng rằng rùa Hoàn Kiếm hay còn gọi là Giải Sin-hoe (tên khoa học là Rafetus swinhoei) sẽ có thêm một cơ hội để tồn tại. Săn bắt quá mức và sự hủy hoại sinh cảnh sống gây nên sự diệt vong của rùa Hoàn Kiếm. Tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của chính phủ, chúng tôi quyết tâm cùng hợp tác và hành động để loài rùa mai mềm này có thêm một cơ hội tăng số lượng quần thể”.
Ông Andrew Walde, Giám đốc điều hành của Tổ chức Turtle Survival Alliance (TSA), chuyên gia kỹ thuật của dự án, nói “Đây là tin tốt nhất đối với hoạt động bảo tồn rùa toàn thế giới trong năm nay, và thực sự là cơ hội cho nỗ lực bảo tồn rùa của một thập kỷ qua. Nhiều lắm các nỗ lực và nguồn lực từ nhiều bên đã và đang dồn vào công việc bảo tồn loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei), nguy cấp nhất trên thế giới. Sau khi cá thể cái duy nhất còn lại đã bị chết vào năm 2019, việc khẳng định mẫu của cá thể rùa này là cái giúp chúng ta có lý do để chúc mừng tất cả các cá nhân và tập thể đã cố gắng không mệt mỏi giúp duy trì sự sống còn của loài rùa này. Chúng tôi đánh giá cao sự cam kết và lãnh đạo tiên phong của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, các cơ quan Bộ ban ngành, của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đồng nghiệp tại Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) và tổ chức WCS. Chúng tôi hy vọng tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho dự án trong năm 2021 sắp tới và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công.”
Trước đó, đã có nhiều nỗ lực nhằm ghép đôi sinh sản hai cá thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) ở Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Nhưng sau đó, cá thể cái cuối cùng được biết đến vào thời điểm đó, đã chết vào ngày 13 tháng 4 năm 2019 trong quá trình hồi phục sau gây mê khi thụ tinh nhân tạo ở Tô Châu, Trung Quốc. Hai cá thể rùa đực và cái đã không thể sinh sản tự nhiên kể từ khi chúng nhốt chung từ năm 2008. Cả hai cá thể đều khỏe mạnh để tham gia quá trình nhân giống, và quy trình gây mê tương tự trước đó đã được thực hiện mà không có sự cố gì xảy ra. Khi cá thể cái chết, niềm hy vọng dồn sang khả năng có tồn tại các cá thể khác ở hai hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh của Việt Nam.
Từ đầu năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức IMC và tổ chức WCS, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thực hiện nhiều cuộc họp tham vấn và đánh giá nhằm xây dựng các phương pháp kỹ thuật; tiến hành thêm các cuộc khảo sát khu vực hồ và lựa chọn vị trí đặt bẫy. Tuy nhiên, kế hoạch bị trì hoãn do COVID-19, nhóm thú y và các chuyên gia quốc tế không thể đến Việt Nam do những hạn chế đi lại.
Tháng 9 năm 2020 cho đến nay, nhóm thực địa bao gồm ngư dân địa phương, cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Nội, tổ chức IMC và tổ chức WCS đã dành nhiều tuần để thả lưới, khoanh vùng khu vực bẫy bắt, đảm bảo quan sát được rùa trong khu vực 90ha được ngăn bằng lưới , thay vì 1,400ha diện tích toàn bộ hồ. Vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, cá thể rùa được nhìn thấy bên cạnh hàng rào lưới và nhóm thực hiện đã nhanh trí quây bắt và được đưa vào bể nuôi tạm thời trên một đảo nhỏ tại hồ. Chỉ trong vòng vài giờ, đội ngũ thú y từ WCS, ATP/IMC, và bác sĩ thú y quốc tế từ trung tâm cứu hộ gấu Four Paws Viet đã có mặt, với thiết bị siêu âm để thu mẫu và xác định giới tính cá thể này. Với sự khẩn trương và phối hợp chặt chẽ của các nhóm (Tổ bẫy bắt và Tổ chăm sóc và Thú y), vào ngày 23 tháng 10 năm 2020, cá thể rùa được kiểm tra sức khỏe, được siêu âm, gắp chip, các loại mẫu đã được thu thập để xác định loài phục vụ cho kế hoạch bảo tồn trong tương lai, và được cân đo với trọng lượng là 86kg và dài 1m. Như tất cả mọi người đều hy vọng, cá thể cái này hoàn toàn khỏe mạnh và đã được thả lại xuống hồ vào cùng ngày.
Hôm nay, tại buổi hội thảo ở Hà Nội, kết quả phân tích gen đã khẳng định cá thể rùa này 99,99% là rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei). Giám định động vật được thực hiện bởi Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và phân tích gen độc lập của Phòng Tài nguyên Thiên nhiên và Bảo tồn, Viện Tài nguyên môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Sở NN&PTNT Hà Nội, đại diện cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (UBND thành phố Hà Nội) tổ chức hội thảo cập nhật tiến độ thực hiện Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 22/10/2018 của UBND thành phố Hà Nội về bảo tồn các cá thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei – rùa Hoàn Kiếm) tại Hà Nội. Đại diện từ các cơ quan quản lý và chuyên môn của chính phủ, chuyên gia bảo tồn, phóng viên và nhà báo từ các đơn vị truyền thông đã tham dự sự kiện.
Với việc quan sát được cá thể thứ hai nặng khoảng 130kg trên hồ Đồng Mô, Tổ bẫy bắt đã tiếp tục hoạt động bẫy bắt từ tháng 11 năm 2020 và thử nghiệm các phương pháp bẫy bắt khác nhau. Với thời tiết và nhiệt độ giảm, không thích hợp cho việc bẫy bắt rùa từ tháng 12 đến tháng 3, chúng tôi hy vọng có thể bẫy bắt và khẳng định cá thể thứ hai tại hồ vào mùa xuân năm 2021, khi mực nước hồ ở mức thấp nhất. Nếu có thể xác nhận thêm một cá thể đực của loài rùa quý hiếm nhất thế giới này tại hồ Đồng Mô, việc đưa chúng về cùng một khu vực bán hoang dã hoặc nuôi bảo tồn có thể mở ra cơ hội lớn để hồi phục quần thể của loài rùa này ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang đi đầu trong các nỗ lực hoạt động và hợp tác nhằm bảo vệ loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei – rùa Hoàn Kiếm) này. Chúng tôi xin cảm ơn các cơ quan chức năng Việt Nam, Cục Kiểm lâm, Tổng Cục Thủy sản-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Du lịch, Văn hóa và Thể Thao, UBND huyện Ba Vì, UBND thị xã Sơn Tây, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phòng Tài nguyên Thiên nhiên và Bảo tồn, Viện Tài nguyên môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn tới Quỹ Alan và Patricia Koval, Vườn thú Auckland, Birdlife International, British Chelonia Group (BCG), Browse Poster UK, Vườn thú Cleveland Metroparks và Cleveland Zoological Society, Vườn thú và thủy cung Columbus, Quỹ Critical Ecosystem Partnership Fund (CEPF), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV, Global Wildlife Conservation (GWC), IUCN, Quỹ Island, Quỹ Bảo tồn loài Mohamed bin Zayed Species Conservation (MBZ), Quỹ bảo tồn Ocean Park Conservation Foundation, Hong Kong (OPCFHK), Quỹ Panaphil and Uphill Foundations, Quỹ Turtle Conservation Fund (TCF), Liên minh Turtle Survival Alliance (TSA), Quỹ George Garretson Wade Charitable Trust, Trường đại học bang Washington (Washington State University), Wildlife Conservation Society Canada (WCS Canada), Zoological Society of London (ZSL) cũng như một số nhà tài trợ tư nhân đã hỗ trợ hoạt động bảo tồn rùa Hoàn Kiếm – Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei).
Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
Ông Tạ Văn Sơn,
Giám đốc
Chi cục thủy sản Hà Nội
Sở NN & PTNT Hà Nội
Địa chỉ: xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội
ĐT: +84 (0) 24 3688 4464
FAX: +84 (0) 24 3688 9510 Email: cctshn_sonnptnt@hanoi.gov.vn
Ông Timothy McCormack,
Giám đốc chương trình
Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á - Tổ chức Indo-Myanmar Conservation
Địa chỉ: 1806, CT1 - C14 Tòa nhà Bắc Hà, Tố Hữu, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
ĐT: +84 (0) 24 7302 8389
DĐ: +44 (0) 7460 953 121
Email: info@asianturtleprogram.org
Về Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức IMC:
ATP được thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ 1998 nhằm thiết lập một tương lai an toàn và bền vững cho các loài rùa cạn và rùa nước ngọt châu Á, đảm bảo rằng sẽ không có thêm loài nào bị tuyệt chủng trong khu vực. Các hoạt động của ATP/IMC ở Việt Nam bao gồm nghiên cứu, bảo vệ loài và sinh cảnh sống, nâng cao nhận thức, cứu hộ, nhân nuôi bảo tồn và tái thả, và vận động chính sách.
https://asianturtleprogram.org/vi/
Chị Trần Minh Phúc
Cán bộ truyền thông
WCS Việt Nam
106, nhà D,số 3 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam
ĐT: +84 (0) 24 3514 9750
DĐ: +84 (0) 98 518 9475
Email: tphuc@wcs.org
Về Tổ chức WCS:
WCS hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006, tập trung tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các cơ quan chức năng tại Việt Nam và hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý để đấu tranh với tội phạm về ĐVHD. Chúng tôi ưu tiên một số lĩnh vực hoạt động chủ chốt nhằm tác động đến các mạng lưới buôn bán ĐVHD trái pháp luật tại Việt Nam ở mọi cấp độ, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam bắt giữ và truy tố thành công tội phạm. https://vietnam.wcs.org/