Ngày 23 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã (ĐVHD). Các cơ quan báo chí, truyền thông trên thế giới đã đưa tin rộng rãi và coi đây là lệnh cấm buôn bán ĐVHD trên diện rộng để đối phó với đại dịch COVID-19. Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) hoan nghênh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thêm một lần nữa sự quan tâm của dư luận tới các nỗ lực phòng, chống buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật mà Chỉ thị mang lại. Tuy nhiên, Tổ chức WCS cho rằng vẫn còn một số thông tin các cơ quan báo chí, truyền thông trên thế giới chưa phản ánh chính xác và một số điểm Chính phủ Việt Nam cần chú trọng hơn nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người trong tương lai:
1) Chỉ thị số 29 không “cấm buôn bán ĐVHD”; thay vào đó, kêu gọi tăng cường thực thi pháp luật hiện hành về phòng, chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật tại Việt Nam.
Chỉ thị số 29 không đưa ra các biện pháp hạn chế mới đối với việc buôn bán và tiêu thụ ĐVHD nhằm giảm nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người như Trung Quốc đã làm. Thay vào đó, Chỉ thị thuần túy nhấn mạnh lại sự cần thiết của công tác thực thi pháp luật hiện hành về bảo vệ ĐVHD. Tuy vậy, có một điểm nhấn trong Chỉ thị là việc Thủ tướng Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với những kẻ chủ mưu, cầm đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội liên quan đến ĐVHD, động vật nguy cấp, quý hiếm. Đây có lẽ là lần đầu tiên tội phạm về ĐVHD được đặt trong mối tương quan với tội phạm về chức vụ.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ và những người tiền nhiệm của mình đã ban hành nhiều Chỉ thị kêu gọi tăng cường thực thi pháp luật về phòng, chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật (ví dụ như Chỉ thị số 03/CT-TTG năm 2014 và Chỉ thị số 28/CT-TTG năm 2016 hướng đến việc đưa ra những hành động kịp thời, cấp bách, nhưng tất cả các Chỉ thị trên đều chưa đề cập đến nguyên nhân gốc rễ của những hạn chế trong công tác thực thi pháp luật, hay việc truy tố chưa hiệu quả các loại tội phạm về ĐVHD. Một số trở ngại chính như vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống tư pháp hình sự, thiếu nguồn lực bao gồm cả về tài chính, nhân lực và năng lực kỹ thuật (ví dụ như điều tra tài chính) để phòng chống tội phạm về ĐVHD. Đây chính là những yếu tố cho thấy sự cần thiết của việc cải cách chính sách, pháp luật.
2) Chỉ thị số 29 mở đường cho việc sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật trong tương lai.
Chỉ thị số 29 không cấm việc tiêu thụ ĐVHD; thay vào đó, yêu cầu tất cả các bộ, cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh hành vi tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật; đồng thời tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật. Đây là hướng thay đổi tích cực, tuy nhiên để tránh mất thời gian, đòi hỏi cần có những hướng dẫn chi tiết, quy định cụ thể về thời gian, và cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cho hoạt động này.
3) Các biện pháp được nêu lên trong Chỉ thị số 29 nhằm mục tiêu giảm nguy cơ lây truyền mầm bệnh từ các trại gây nuôi thương mại ĐVHD là chưa đủ.
Chỉ thị số 29 kêu gọi tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên cả nước để đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của động vật nuôi và các điều kiện an toàn đối với con người và vật nuôi, vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Việc này là vô cùng cần thiết và cấp bách vì các trang trại gây nuôi thương mại ĐVHD là môi trường có nguy cơ cao lây truyền các bệnh có nguồn gốc từ động vật. Các hoạt động giám sát dịch thông qua phát hiện các họ vi rút của Tổ chức WCS ở Việt Nam trong hơn mười năm qua đã đưa ra những bằng chứng cho thấy nhiều loại vi rút mới và đã biết được tìm thấy từ các trang trại này. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra phải được ưu tiên trong những thời gian cụ thể và có sự tham gia giám sát của các cơ quan liên quan của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Hiện nay, trước những rủi ro đáng kể xuất phát từ các trang trại gây nuôi thương mại ĐVHD cũng như những thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh và an toàn sinh học hiệu quả, Tổ chức WCS cho rằng Chính phủ cần ban hành ngay lệnh cấm tạm thời đối với việc cấp phép gây nuôi thương mại các loài ĐVHD thuộc lớp thú và chim hoang dã ngay trong giai đoạn tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá rủi ro và xây dựng, cập nhật chính sách.
4) Nội dung về dừng nhập khẩu ĐVHD trong Chỉ thị số 29 có nguy cơ làm giảm tính hiệu quả của các quy định về cấm nhập khẩu ĐVHD hiện hành.
Trong Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 1 năm 2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cấm nhập khẩu ĐVHD vào Việt Nam. Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6 tháng 2 năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp và Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Bộ NN & PTNT) đã ban hành hướng dẫn chính thức tới các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhập khẩu, gây nuôi, chế biến, vận chuyển, thương mại mẫu ĐVHD . Theo đó, các bộ phận của ĐVHD đã được chế biến như thuốc, nước hoa, đồng hồ và túi xách không nằm trong phạm vi của nội dung cấm. Về cơ bản, Chỉ thị số 29 lặp lại các nội dung cấm hiện hành; tuy nhiên, có bổ sung thêm các trường hợp miễn trừ. Tổ chức WCS cho rằng Bộ NN & PTNT cần sớm làm rõ phạm vi chính xác của những miễn trừ bổ sung này.
Kết luận
Mặc dù mang nhiều ý nghĩa tích cực, Chỉ thị số 29 không phải là yếu tố quyết định việc thay đổi chính sách hiện có như một số cơ quan truyền thông trên thế giới đưa tin. Tuy nhiên việc ban hành Chỉ thị này là vô cùng cần thiết để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai như COVID-19 mà chúng ta đang trải qua. Tổ chức WCS sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan liên quan trong Chính phủ Việt Nam, các chuyên gia trong nước, các tổ chức xã hội, và đại diện các tổ chức quốc tế như FAO và WHO tại Việt Nam để đề xuất cải cách chính sách, pháp luật nhằm cấm buôn bán và tiêu thụ các loài thú và chim hoang dã; đồng thời đảm bảo các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan tư pháp có đầy đủ thẩm quyền và nguồn lực để thực thi pháp luật hiệu quả và đưa tội phạm về ĐVHD ra công lý.