LIÊN HỆ: wcsvietnam@wcs.org
Vi rút Corona - Từ thực địa đến bàn ăn: Kết quả nghiên cứu cho thấy chuỗi cung ứng động vật hoang dã làm thực phẩm đã gia tăng nguy cơ lây truyền vi rút Corona sang con người
Nghiên cứu đăng trên trang bioRxiv để thăm dò ý kiến trước khi được các chuyên gia thẩm định
Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2020 - Một nghiên cứu mới cho kết quả là có tỉ lệ lớn vi rút corona trên mẫu thu thập từ các loài động vật hoang dã (ĐVHD) được buôn bán làm thực phẩm cho con người, và tỉ lệ dương tính với vi rút corona cũng tăng lên đáng kể khi các loài ĐVHD được vận chuyển từ tay các thương lái tới các khu chợ và sau cùng là chuyển tới các nhà hàng.
Nghiên cứu vừa được đăng trên trang bioRxiv do một nhóm các nhà khoa học thuộc tổ chức WCS, Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, EcoHealth Alliance và Viện Một sức khỏe thuộc Đại học California, Davis thực hiện.
Tại các mắt xích của chuỗi cung ứng, ĐVHD thường bị căng thẳng và bị nuôi nhốt trong điều kiện chật chội cùng với các loài động vật khác du nhập từ nhiều nguồn, điều này làm gia tăng khả năng lây truyền vi rút corona. Các tác giả cũng đã cảnh báo nguy cơ bùng phát lây lan vi rút từ động vật sang người trong quá trình buôn bán ĐVHD.
Các tác giả cho rằng tình trạng căng thẳng và dinh dưỡng kém góp phần làm suy giảm chức năng miễn dịch của các loài vật, dẫn tới việc gia tăng nguy cơ lây lan và phát tán vi rút corona trong chuỗi cung ứng. Kết quả nghiên cứu trên các loài gặm nhấm cũng chỉ ra nguy cơ lây lan vi rút corona tới những loài ĐVHD khác (cầy, tê tê) ở những nơi có số lượng lớn động vật bị thu gom, vận chuyển và nuôi nhốt.
Mục đích của nghiên cứu này giúp hiểu rõ hơn về sự tồn tại và mức độ đa dạng của vi rút corona ở các loài ĐVHD tại ba khu vực có sự tiếp xúc giữa người và ĐVHD, bao gồm tại các mắt xích của chuỗi buôn bán ĐVHD sống, trang trại gây nuôi ĐVHD và khu vực có sự tương tác nhiều giữa người và dơi. Nghiên cứu này có sự tham gia và đóng góp công sức rất lớn của các đối tác tại Việt Nam, từ lấy mẫu tại thực địa cho tới xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và áp dụng các phương pháp khoa học quan trọng để hiểu và xác định được các mối đe dọa về bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người. Phương pháp chẩn đoán sử dụng kỹ thuật PCR (phản ứng chuỗi trùng hợp) là công cụ hiệu quả giúp phát hiện cả các vi rút đã biết và vi rút mới, đồng thời phát hiện được sự đồng nhiễm trên nhiều loài, nhiều mẫu và nhiều khu vực tiếp xúc khác nhau.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu tại 70 địa bàn ở Việt Nam và phát hiện sáu loại vi rút corona đã biết. Mặc dù hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy các vi rút này là mối đe dọa với sức khỏe con người, tuy nhiên, nghiên cứu này giúp nâng cao năng lực giám sát theo hướng tiếp cận Một Sức khỏe của Việt Nam nhằm phát hiện các vi rút mới nổi hoặc vi rút chưa từng được biết tới ở người, ĐVHD và động vật nuôi thông thường trong tương lai.
Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ dương tính với vi rút corona khá cao trên chuột đồng được chế biến làm thực phẩm cho con người. Tỉ lệ dương tính tăng lên một cách đáng kể dọc theo chuỗi cung ứng từ thương lái (21%), tới các khu chợ (32%) và nhà hàng (56%). Tại 2/3 số trang trại ĐVHD và 6% số động vật gặm nhấm được nuôi ở trang trại ở các điểm tham gia vào nghiên cứu cũng cho kết quả vi rút corona dương tính. Trên mẫu phân của loài gặm nhấm tại các trang trại gây nuôi ĐVHD cũng cho thấy có chung loại vi rút corona như trên dơi và chim, điều này cho thấy có sự chia sẻ về cả môi trường sống và/hoặc lây lan vi rút giữa các loài. Từ mẫu của các loài động vật gặm nhấm được lấy từ môi trường sống ‘tự nhiên’ cho kết quả vi rút corona ở khoảng 0 – 2 %.
Bà Amanda Fine, Giám đốc Chương trình Sức khỏe động vật hoang dã - Châu Á của tổ chức WCS, cũng là một trong các đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ: “Các chuỗi cung ứng ĐVHD và điều kiện tại mỗi mắt xích của chuỗi cung ứng làm gia tăng một cách đáng kể mức độ xuất hiện của vi rút corona. Bên cạnh đó, chúng tôi đã ghi nhận được sự phơi nhiễm với vi rút corona từ dơi và chim trên các loài gặm nhấm được nuôi tại các trang trại. Tỉ lệ xuất hiện và mức độ đa dạng của vi rút corona, bên cạnh việc nuôi nhốt chung nhiều loài động vật mà chúng tôi quan sát được trong hoạt động buôn bán ĐVHD đang tạo ra cơ hội cho các chủng vi rút corona kết hợp và lan rộng.”
Các tác giả cảnh báo hoạt động buôn bán ĐVHD đang góp phần đưa con người tiếp xúc gần hơn với nhiều loài hoang dã có khả năng phát tán vi rút corona. Điều này dẫn tới nguy cơ lây truyền vi rút trong loài và giữa các loài với nhau và làm tăng khả năng kết hợp của các chủng vi rút corona với nhau.
Chuỗi cung ứng ĐVHD từ trang trại và tự nhiên tới nhà hàng tạo ra vô số cơ hội dẫn tới bùng phát dịch bệnh. Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các bệnh dịch lây nhiễm từ ĐVHD đe dọa sức khỏe cộng đồng và để bảo vệ ngành chăn nuôi của Việt Nam, các tác giả khuyến nghị một số biện pháp phòng ngừa cụ thể như hạn chế hoạt động giết mổ, gây nuôi thương mại, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, chế biến và tiêu thụ ĐVHD.
Sự xuất hiện của vi rút SARS-CoV, MERS-CoV và bây giờ là SARS-CoV-2 gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Thế giới cần nâng cao cảnh giác thông qua việc xây dựng và nâng cao khả năng phát hiện, giám sát chủ động và xác định đặc tính của các chủng vi rút corona ở người, ĐVHD và động vật nuôi thông thường; và từ đó thay đổi hành vi của con người nhằm giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh dịch từ động vật sang con người.
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Chương trình WCS Việt Nam, một trong các đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ: “Kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để thực thi các quy định việc buôn bán ĐVHD. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công văn số 1744/VPCP-KGVX ngày 6/3/2020 chỉ đạo xem xét việc cấm buôn bán và tiêu thụ ĐVHD. Nghiên cứu này sẽ cung cấp các thông tin cơ sở quan trọng và đề xuất các lĩnh vực cần tập trung nghiên cứu trong thời gian tới nhằm cung cấp thêm các bằng chứng hỗ trợ xây dựng các chính sách mới và/hoặc sửa đổi khung pháp lý ở Việt Nam để ngăn ngừa các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai bằng cách giảm thiểu các nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người tại các mắt xích chính trong chuỗi cung ứng ĐVHD. Các biện pháp can thiệp nếu muốn thành công phải hướng tới mục tiêu là làm giảm thiểu đáng kể số lượng và mức độ đa dạng của các loài động vật bị buôn bán, cũng như số người tham gia vào hoạt động buôn bán ĐVHD.”
Nghiên cứu được thực hiện với sự hỗ trợ của dự án PREDICT thuộc chương trình Các mối đe dọa bệnh dịch mới nổi do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và sự hợp tác với các cơ quan nhà nước của Việt Nam.
###
Về Tổ chức WCS (Wildlife Conservation Society)
WCS bảo vệ các loài động vật và vùng hoang dã trên toàn thế giới qua nghiên cứu khoa học, bảo tồn, giáo dục và khơi dậy giá trị của thiên nhiên đối với con người.
WCS hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006, tập trung tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các cơ quan chức năng tại Việt Nam và hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý để đấu tranh với tội phạm về ĐVHD. Chúng tôi ưu tiên một số lĩnh vực hoạt động chủ chốt nhằm tác động đến các mạng lưới buôn bán ĐVHD trái pháp luật tại Việt Nam ở mọi cấp độ, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam bắt giữ,truy tố và xét xử thành công tội phạm về động vật hoang dã.
Website: https://vietnam.wcs.org/