--- Tải file Quan điểm chính sách của WCS ---
Sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (COVID-19) đã lấy đi sinh mạng của hàng ngàn người trên toàn thế giới; đồng thời gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân và nền kinh tế toàn cầu. COVID-19 được cho là khởi phát từ động vật hoang dã (ĐVHD) tại một chợ bán ĐVHD sống ở Trung Quốc.
Những điều kiện dẫn tới sự bùng phát và lây lan của các tác nhân gây bệnh truyền từ ĐVHD sang người đã và đang diễn ra hàng ngày ở Việt Nam. Để bảo vệ sức khỏe và sự sống còn của mọi sinh vật trên trái đất, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại các biện pháp đang áp dụng và các kết quả đã đạt được trong công tác quản lý và bảo vệ ĐVHD để từ đó thắt chặt hơn các quy định về phòng, chống buôn bán và tiêu thụ ĐVHD nhằm tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và thói quen sử dụng ĐVHD của con người.
Chuỗi cung ứng ĐVHD (hợp pháp và bất hợp pháp) tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi, phát tán và lây lan của các tác nhân lây truyền bệnh từ ĐVHD sang người
Ở Việt Nam, ĐVHD thường bị buôn bán và sử dụng để lấy thịt, làm cảnh, lấy da, làm thuốc đông y hoặc trưng bày trong các vườn thú hay bộ sưu tập tư nhân; trong đó, nhiều loài ĐVHD có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới bao gồm cả những cá thể bị bẫy bắt ngoài tự nhiên hoặc được bán từ các cơ sở gây nuôi. Trong từng mắt xích của chuỗi cung ứng ĐVHD (hợp pháp và bất hợp pháp), từ các điểm cung cấp ban đầu cho đến thị trường tiêu thụ cuối cùng, đều tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện và lây truyền mầm bệnh từ động vật sang người. Và chính các mầm bệnh này có thể gây ra các nguy cơ bùng phát đại dịch trong tương lai giống như chúng ta đang chứng kiến với COVID-19, và từng phải gánh chịu hậu quả với Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS), dịch cúm A (H5N1) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Các nguy cơ xuất hiện và lây truyền mầm bệnh trong chuỗi cung ứng ĐVHD bao gồm:
- Các loài ĐVHD khác nhau, cả những cá thể còn sống hay đã chết, được thu gom và nuôi nhốt sát cạnh nhau và cạnh các loài vật nuôi thông thường trong các nhà hàng, cửa hàng thú cưng, các chợ bán buôn, các kho chứa hàng của các chủ buôn, các trại gây nuôi thương mại; hoặc một số lượng lớn các cá thể được vận chuyển cùng lúc qua các khu vực biên giới. Các con vật bị trao đổi và vận chuyển tới cùng một chuồng hoặc các khu vực nuôi nhốt liền kề mà không có các biện pháp cách ly và kiểm dịch phù hợp.
- Trong quá trình vận chuyển và nuôi giữ, ĐVHD thường bị nhốt trong điều kiện rất hạn chế, có tiếp xúc với chuột bọ, con người và các vật truyền bệnh khác. Điều kiện nuôi giữ ĐVHD nghèo nàn hoặc không phù hợp, ví dụ như không dọn chất thải của động vật, thức ăn không đầy đủ, dẫn đến việc các con vật bị căng thẳng, suy yếu và có sức đề kháng kém.
- Việc giết mổ ĐVHD thường diễn ra ở những nơi gần các chuồng đang nuôi động vật và không đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh, càng làm tăng nguy cơ lây lan và phát tán các tác nhân gây bệnh tiềm tàng.
- Nghiên cứu khoa học đã cho thấy khi ĐVHD được vận chuyển qua càng nhiều mắt xích của chuỗi cung ứng, từ điểm bị bắt cho tới khi được đưa lên đĩa ăn trong các nhà hàng, thì mức độ lan truyền và sự đa dạng của các tác nhân lây truyền bệnh sẽ càng tăng lên.
Vi-rút corona (và các họ vi-rút khác) thường xuất hiện ở ĐVHD và được tìm thấy ở các mắt xích của chuỗi cung ứng ĐVHD bao gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp tại Việt Nam
Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loại vi-rút (bao gồm cả vi-rút corona) ở các loài ĐVHD ngoài tự nhiên và cả các loài trong chuỗi cung ứng ĐVHD hợp pháp và bất hợp pháp tại Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác; đặc biệt tại các điểm thu gom, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD như các trang trại gây nuôi ĐVHD, các lô hàng vận chuyển ĐVHD và các chợ bán động vật sống. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra tỉ lệ vi-rút tìm thấy ở các loài thú và chim hoang dã là cao hơn ở các nhóm loài khác.
Trong chuỗi cung ứng ĐVHD, những mắt xích nơi diễn ra nhiều tiếp xúc giữa con người và ĐVHD chính là điều kiện lý tưởng để sản sinh ra các chủng vi-rút mới. Các vi-rút mới này thường sinh ra trong quá trình phân loại, sắp xếp lại và trao đổi giữa các thành phần của vi-rút sống trong nhiều loài ĐVHD. Thông thường, một trong các loại vi-rút mới này có thể xâm nhập và nhân lên trong các tế bào của con người và gây bệnh. Đôi khi, những loại vi-rút mới này có thể lây truyền từ người sang người và là cơ sở để bắt đầu một đại dịch tiềm tàng. Khi con người có nhiều tiếp xúc với các quần thể ĐVHD, đặc biệt trong những điều kiện như vừa nêu trên thì nguy cơ xuất hiện các tác nhân gây bệnh do vi-rút mới và dịch bệnh trên người sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
Việc tăng cường các hoạt động lấy mẫu tại các phân khúc của chuỗi cung ứng ĐVHD sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều bằng chứng để bổ sung vào cơ sở bằng chứng vốn đã khá đầy đủ để xác định mức độ lưu hành của vi-rút ở các loài khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng trước khi một dịch bệnh bùng phát – tức là khi tác nhân lây truyền bệnh đã được truyền sang con người, có rất ít khả năng phát hiện, xác định hoặc nhận dạng được một tác nhân lây truyền bệnh. Vì vậy, cần phải đặc biệt chú ý đến các cảnh báo từ những thông tin phân tích mẫu hiện có. Các kế hoạch hành động cần tập trung vào việc xóa bỏ dần các mắt xích trong chuỗi cung ứng ĐVHD nơi thúc đẩy sự hình thành, bùng phát và lây truyền các tác nhân gây bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải giảm mạnh cả về số lượng và mức độ đa dạng của các loài ĐVHD đang bị buôn bán, cũng như giảm thiểu số người tham gia vào các hoạt động buôn bán ĐVHD.
Một số khuyến nghị cải cách chính sách
Các Chỉ thị trước đây của Thủ tướng (ví dụ: Chỉ thị số 11/2003/CT-TTg, số 29/2006/CT-TTg, số 05/2020/CT-TTg) tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể để kiểm soát sự bùng phát của các loại dịch bệnh như SARS, H5N1 hoặc COVID-19; trong khi một số chỉ thị, quyết định khác của Thủ tướng được ban hành nhằm tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ các loài ĐVHD, nguy cấp, quý hiếm đã góp phần đẩy mạnh những nỗ lực của chính phủ trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD (ví dụ: Chỉ thị số 03/2014/CT-TTg, Chỉ thị số 28/2016 /CT-TTg); hoặc đưa ra những quy định cấm buôn bán một số loài phục vụ cho một số mục đích nhất định (ví dụ: Quyết định 11/2013/QĐ-TTg).
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD (Công văn số 1744/VPCP-KGVX ngày 6/3/2020 của Văn phòng Chính phủ). Mục tiêu chiến lược của Chỉ thị này nhằm đảm bảo Việt Nam có thể ngăn chặn sự bùng phát của các bệnh lây từ động vật sang người thông qua xử lý, xóa sổ các mắt xích có nguy cơ cao trong chuỗi cung ứng ĐVHD. Tuy nhiên, nếu các hoạt động kinh doanh, buôn bán ĐVHD vẫn diễn ra như thường lệ thì sẽ rất khó để đạt được mục tiêu đề ra. Do vậy, Chính phủ cần có ngay những hành động thiết thực để có thể nhanh chóng hạn chế những nguy cơ xuất hiện các mầm bệnh; đồng thời, trong thời gian tới, cần rà soát và đề xuất với Quốc hội lộ trình sửa đổi các quy định pháp luật liên quan.
1) Nghiêm cấm các hoạt động nhiều nguy cơ nhất trong chuỗi cung ứng ĐVHD, đặc biệt liên quan đến các loài có nguy cơ cao nhất
Việc buôn bán và tiêu thụ ĐVHD bị bắt ngoài tự nhiên hay gây nuôi đều đi kèm với nhiều nguy cơ vì vi-rút có thể xuất hiện và lây truyền sang con người bất kể đó là hoạt động buôn bán hợp pháp hay bất hợp pháp.
Để giảm thiểu nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng, cụ thể là khả năng phát sinh dịch bệnh do vi-rút lây từ ĐVHD sang người, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ thực thi hiệu quả, nhanh chóng, quyết liệt hơn các quy định hiện hành về phòng, chống buôn bán ĐVHD; trong đó bao gồm cả việc áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi chế biến và tiêu thụ ĐVHD. Đồng thời, chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện triệt để hơn các biện pháp phòng ngừa, trong đó có hoạt động giám sát dịch bệnh động vật và khống chế, xử lý một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người (Điều 16 và Điều 18, Luật Thú Y 2015).
Liên quan đến phạm vi cấm, trong Công văn số 1744/VPCP-KGVX của Văn phòng chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD. Thực tế sẽ có những quan điểm khác nhau liên quan đến ý kiến chỉ đạo trên của Thủ tướng; tuy nhiên tổ chức WCS cho rằng có năm (05) định hướng Chính phủ cần cân nhắc trên cơ sở những phân tích dưới đây:
Phạm vi cấm | Phân tích |
1. Tất cả loài ĐVHD (bắt ngoài tự nhiên hoặc gây nuôi) | Loại bỏ tối đa nguy cơ phát sinh và lây truyền mầm bệnh. Tuy nhiên, cần có một định nghĩa rõ ràng về ĐVHD vì hiện tại pháp luật Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa này. Ngoài ra, định nghĩa này cũng cần tính đến tác động đối với nhóm động vật biển, cá/cua/ốc và ếch nước ngọt. |
2. Tất cả các loài động vật thuộc lớp thú, chim, lưỡng cư và bò sát hoang dã (bắt ngoài tự nhiên hoặc gây nuôi) | Các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi pháp luật sẽ dễ dàng xác định các loài này hơn. Đồng thời, phạm vi cấm này cũng giảm tác động đến ngành thủy sản nước mặn/nước ngọt. Tuy nhiên, định hướng này cũng đặt ra yêu cầu cần có một định nghĩa rõ ràng về yếu tố “hoang dã” để giảm thiểu ảnh hưởng đến các trang trại nuôi ếch. |
3. Tất cả các loài chim và thú hoang dã (bắt ngoài tự nhiên hoặc gây nuôi) | Các loài chim và thú hoang dã là những nhóm loài có nguy cơ lây truyền bệnh dịch cao nhất vì chúng là vật chủ của các mầm bệnh lây truyền trên động vật. Vì vậy, việc nghiêm cấm các hoạt động liên quan đến những loài này sẽ giảm tối đa nguy cơ bệnh dịch. Đồng thời, cũng dễ dàng hơn cho các cơ quan liên quan trong việc xác định phạm vi cấm; và giảm thiểu tác động đến ngành thủy sản nước mặn/nước ngọt. |
4. Các loài chim và thú hoang dã (bắt ngoài tự nhiên hoặc gây nuôi) được sử dụng cho mục đích gây nuôi và làm thức ăn | Việc hạn chế các hành vi dựa trên mục đích sử dụng cuối cùng, như Trung Quốc đã làm, sẽ có nguy cơ gây thêm khó khăn cho các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật vì họ phải gánh trách nhiệm chứng minh mục đích sử dụng cuối cùng. Điều này có thể tạo ra những lỗ hổng, khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật. |
5. Các loài ĐVHD được liệt kê trong danh mục được bảo vệ tại Nghị định 64/2019, Nghị định 06/2019; hoặc Phụ lục Công ước CITES trong Thông báo 296/TB-CTVN-HTQT của Cơ quan Quản lý CITES | Mặc dù các văn bản liên quan đã có danh sách về các loài bị cấm buôn bán/tiêu thụ; tuy nhiên, kết quả giám sát của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, tổ chức WCS và một số đơn vị khác cho thấy, nhiều tác nhân gây bệnh lây từ động vật sang người có nguồn gốc từ các loài ĐVHD không thuộc danh mục các loài được bảo vệ, ví dụ như dúi, cầy hương, nhím, khỉ. Do vậy, định hướng này không đủ mạnh để ngăn chặn sự xuất hiện của các mầm bệnh lây từ động vật sang người trong tương lai. |
Từ những phân tích trên, WCS khuyến nghị Chính phủ sớm đưa ra văn bản quy định chi tiết các hành vi nghiêm cấm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc việc săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, chế biến, bao gồm cả hành vi tiêu thụ các loài động vật thuộc lớp thú, chim, lưỡng cư và bò sát hoang dã (bắt ngoài tự nhiên hoặc gây nuôi) như đề cập tại định hướng thứ hai (02). Cần lưu ý rằng yếu tố “hoang dã” đề cập tại định hướng thứ 02 có thể được định nghĩa là bất kỳ loài nào không thuộc danh mục các loài động vật được phép chăn nuôi (Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi 2018).
Đồng thời, chúng tôi khuyến nghị Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cùng các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Đa dạng sinh học và Luật Lâm nghiệp để đưa ra các định hướng sửa đổi nhằm đảm bảo sự nhất quán với đề xuất về cấm săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, chế biến và tiêu thụ các loài động vật thuộc lớp thú, chim, lưỡng cư và bò sát hoang dã (bắt ngoài tự nhiên hoặc gây nuôi) cũng như đưa ra các hình phạt tương ứng.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm (từ người hoặc động vật sang người) được phân loại làm 03 nhóm (nhóm A, nhóm B, nhóm C); trong đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh như bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Theo đó, Luật nghiêm cấm hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Điều 8).
Trên thực tế, diễn biến phức tạp và căng thẳng do dịch Covid-19 gây ra cho thấy Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 cần được cân nhắc sửa đổi, bổ sung dựa trên các nghiên cứu và báo cáo mới nhất về phòng, chống dịch bệnh để đưa ra các quy định mới phù hợp với tình hình hiện tại trong công tác giám sát, kiểm soát, khống chế, phòng và chống dịch bệnh truyền nhiễm; đặc biệt là các bệnh lây lan từ động vật sang người.
Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) đã có quy định về việc xử lý hình sự đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240). Tuy nhiên, bên cạnh các hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (điểm a khoản 1) và đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người (điểm b khoản 1), chúng tôi thấy rằng, pháp luật hình sự cần có quy định hướng dẫn chi tiết về những hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm (điểm c khoản 1) để tạo thuận lợi cho việc áp dụng của các cơ quan thực thi pháp luật trên thực tiễn để nhận diện và xử lý kịp thời các cá nhân và pháp nhân vi phạm. Các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, chế biến, và tiêu thụ các loài động vật thuộc lớp thú, chim, lưỡng cư và bò sát hoang dã (bắt ngoài tự nhiên hoặc gây nuôi) là một nhóm các hành vi cần được cân nhắc đưa vào danh mục những hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm.
2) Tăng cường thực thi pháp luật trong các hoạt động phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD
Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo cụ thể các cơ quan thực thi pháp luật liên quan tăng cường công tác điều tra để đưa ra xử lý với các hình phạt thích đáng đối với các cá nhân và pháp nhân liên quan đến các mạng lưới buôn bán trái pháp luật ĐVHD, đặc biệt là các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua Cục Phòng, chống rửa tiền cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Công an (Cục cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) để phát hiện và xử lý các giao dịch đáng ngờ, có nguy cơ của tội phạm rửa tiền; đồng thời, cơ quan điều tra tăng cường áp dụng các biện pháp ngăn chặn và công cụ điều tra tài chính lần theo lợi nhuận phi pháp từ hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
Bộ Công an cần tăng cường phối hợp và hợp tác với các cơ quan đối tác ở các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc xây dựng mạng lưới thông tin tình báo và xác định các đối tượng ưu tiên để tiến hành các biện pháp thực thi pháp luật; đồng thời thúc đẩy việc chia sẻ thông tin định kỳ về các vụ bắt giữ, truy tố và xét xử có liên quan.
Bộ NNPTNT cần phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Công an tiến hành thống kê liên ngành hàng năm về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD.
Bộ Công an cần tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao thực hiện thống kê hình sự hàng năm đối với các vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD.
Ngoài ra, Chính phủ cần thúc đẩy việc xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong việc thực thi các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD; xác định được vai trò, vị trí của từng cơ quan và xây dựng quy trình chuẩn trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ ĐVHD.
3) Thắt chặt quy định và giám sát hoạt động của các trang trại gây nuôi thương mại ĐVHD để lấy da và chế biến thuốc đông y
Hiện vẫn chưa có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về nguy cơ bùng phát và lây truyền vi-rút trong các trang trại gây nuôi ĐVHD để lấy da (ví dụ như da cá sấu và da trăn) và làm thuốc (ví dụ như nhung hươu).
Do vậy, đề nghị Chính phủ cần thúc đẩy việc tiến hành rà soát quy trình và hoạt động chăn nuôi ĐVHD để lấy da hoặc dùng chế biến thuốc đông y, để đưa ra các khuyến nghị nhằm giảm thiểu nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người. Công tác này cần có sự phối hợp liên ngành của các cơ quan như Cơ quan quản lý CITES, Cục Kiểm lâm, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) và các cơ quan liên quan trong tiến hành cách ly, kiểm dịch, quản lý thị trường và an toàn thực phẩm.
4) Xây dựng hướng dẫn về tiêu chuẩn an toàn trong quá trình xử lý ĐVHD bị tịch thu nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh sang các cán bộ thực thi pháp luật và các nhân viên cứu hộ
Chính phủ cần có chỉ đạo cụ thể đối với một số bộ, ngành, cơ quan (Bộ NNPTNT, Bộ TN&MT và Bộ Y tế) trong việc rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để đưa ra các đề xuất đối với việc ban hành các hướng dẫn về tiêu chuẩn an toàn trong quá trình xử lý các mẫu vật từ ĐVHD (từ giai đoạn tịch thu đến bước xử lý cuối cùng) nhằm giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh cho các cán bộ thực thi pháp luật có liên quan và cán bộ, nhân viên của các trung tâm cứu hộ.
Các hướng dẫn cần được xây dựng trên cơ sở các quy định của Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT về xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp cho Nhà nước.
5) Các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi về tiêu thụ ĐVHD
Người dân cần chấm dứt thói quen và hành vi tiêu thụ thịt ĐVHD hoặc nuôi ĐVHD làm cảnh để giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người và bùng phát dịch bệnh. Các cơ quan nhà nước cần sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể hoặc các chiến dịch truyền thông để người dân nhận biết nguy cơ tiềm ẩn trong việc tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm của chúng.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan, trên cơ sở tham vấn ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo Trung ương, xây dựng một chiến dịch mang tính bền vững dựa trên khoa học hành vi để thay đổi hành vi tiêu thụ ĐVHD.