Hội nghị triển khai dự án ‘Giám sát động vật hoang dã
khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’ được tổ chức thành công
Hà Nội, ngày 8 tháng 10 năm 2019: Đại diện các cơ quan trong nước và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tham dự hội nghị triển khai dự án ‘Giám sát động vật hoang dã khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM)’ tại Việt Nam do tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) và Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021, với sự hỗ trợ của Chương trình Giảm thiểu Mối đe dọa Sinh học (BTRP) của Cơ quan Giảm thiểu Các mối Đe dọa Quốc phòng (DTRA) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Gần ba phần tư số lượng các bệnh truyền nhiễm mới nổi gây ảnh hưởng đến con người, bao gồm cả bệnh mới phát hiện hoặc tái xuất hiện, có nguồn gốc từ động vật; trong đó phần lớn là từ các loài động vật hoang dã (ĐVHD). Các bệnh truyền nhiễm này gây ra những mối lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe con người, kinh tế và phát triển, nhất là ở các quốc gia nơi năng lực ứng phó còn nhiều hạn chế. Bệnh truyền nhiễm có thể tàn phá nghiêm trọng cả quần thể ĐVHD và động vật nuôi thông thường. Mặc dù công tác giám sát sức khỏe ĐVHD ngày càng được nhấn mạnh và được xem là một phần quan trọng trong hệ thống giám sát quốc gia về bệnh truyền lây từ động vật sang người, tuy nhiên, năng lực phát hiện, ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh, và ứng phó dịch bệnh liên quan đến ĐVHD vẫn còn nhiều hạn chế ở Việt Nam và trên thế giới.
Nhằm khắc phục hạn chế nói trên, dự án được triển khai với mục tiêu xây dựng năng lực cho các cơ quan và tổ chức tại Việt Nam để xây dựng mạng lưới giám sát quốc gia về sức khỏe ĐVHD. Thông qua việc nâng cao năng lực quốc gia về giám sát và ứng phó với dịch bệnh trên ĐVHD, dự án sẽ hỗ trợ chính phủ thực hiện tuân thủ tốt theo Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR), chống lại các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, bảo vệ đa dạng sinh học, và góp phần đảm bảo phát triển và ổn định khu vực.
Tại hội nghị, với sự hiện diện của hơn 40 đại biểu từ các tổ chức trong nước và quốc tế bao gồm Cục Thú y, Bộ NN&PTNT; Cơ quan Quản lý CITES, Tổng cục Lâm nghiệp; Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường; Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế; Chi cục Thú y Vùng VI; Chi cục Kiểm lâm Vùng IV; Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Chăn nuôi thú y và đơn vị phụ trách Thú y tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Nghệ An, Đắk Nông và Đắk Lắk; cùng đại diện từ một số vườn quốc gia và các tổ chức bảo tồn đã chia sẻ các kinh nghiệm và hiểu biết để xây dựng bức tranh về hệ thống quản lý sức khỏe ĐVHD và giám sát sức khỏe động vật hiện nay - từ cấp trung ương đến địa phương, từ vật nuôi thông thường đến ĐVHD, từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức phi chính phủ.
TS. Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Việt Nam chia sẻ mối quan tâm chung của toàn thế giới về hệ thống giám sát cấp quốc gia đối với các dịch bệnh liên quan đến sức khỏe ĐVHD. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rõ những nguy cơ từ các bệnh mới nổi truyền lây qua ĐVHD, do Việt Nam có những đặc điểm về địa lý, sinh học và văn hóa xã hội dẫn tới sự tương tác rất lớn giữa người và động vật. Trong tình hình đó, dự án ‘Giám sát sức khỏe ĐVHD khu vực INDOPACOM’ sẽ thúc đẩy việc lồng ghép, đưa các bệnh trên ĐVHD vào các hệ thống giám sát sức khỏe động vật quốc gia nhằm xác định và giải quyết các mối đe dọa về dịch bệnh cho ĐVHD, động vật nuôi thông thường và con người.”
Tại hội nghị, một số bất cập trong hệ thống giám sát sức khỏe ĐVHD hiện thời đã được xác định, bao gồm không có quy định, hướng dẫn về phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và các cơ quan thú y, thiếu đi những quy định cụ thể của ngành Thú y về chứng nhận liên quan đến sức khỏe và dịch bệnh liên quan đến ĐVHD đối với các trang trại nhân nuôi ĐVHD, năng lực hạn chế trong việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường, giám sát định kỳ các tác nhân gây bệnh cụ thể được ưu tiên hoặc các mầm bệnh đặc biệt nguy hiểm trên ĐVHD. Các đại biểu cũng thảo luận về các cơ hội hợp tác đa ngành nhằm giải quyết các vấn đề nổi bật, trong đó bao gồm thúc đẩy và lồng ghép các hoạt động liên quan đến sức khỏe ĐVHD vào hệ thống giám sát dịch bệnh hiện tại, và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ thiết lập một hệ thống giám sát quốc gia.
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Tổ chức WCS, chia sẻ: “Chúng tôi hướng đến xây dựng một hệ thống giám sát đáp ứng được các yêu cầu cũng như nguy cơ khác nhau hiện đang tồn tại ở nhiều khu vực nơi có tương tác giữa người và ĐVHD, đồng thời tối ưu hóa các hệ thống giám sát sức khỏe động vật hiện tại. Quá trình xây dựng hệ thống giám sát sức khỏe ĐVHD cần có sự hợp tác của các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực Thú y, Y tế công cộng, các cơ quan quản lý ĐVHD, và các tổ chức bảo tồn ĐVHD. Chỉ khi có được sự phối hợp ăn ý, hiệu quả, chúng ta mới có thể tối ưu hóa mối liên kết giữa các hệ thống giám sát trong từng lĩnh vực được xây dựng theo phương pháp Một Sức Khỏe.”
- Kết thúc -