Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 3 năm 2025, Tổ chức Wildlife Conservation Society, Văn phòng đại diện tại Việt Nam (WCS Việt Nam) phối hợp với Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh và Khoa Luật Hình sự - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Xử lý các vụ án hình sự liên quan đến động vật hoang dã: Thực trạng và giải pháp”.

Các đại biểu tham dự hội thảo, TP. Hồ Chí Minh, tháng 3/2025
Tham gia hội thảo có hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp liên quan ở Trung ương và địa phương, bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng. Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của đại diện các cơ sở đào tạo, nghiên cứu pháp luật, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD. Đây là cơ hội để kết nối các giảng viên, chuyên gia nghiên cứu pháp luật với các cán bộ làm công tác thực tiễn trong xử lý các vụ án hình sự về ĐVHD để cùng thảo luận về các khuyến nghị hoàn thiện pháp luật và giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến ĐVHD.

PGS.TS Lê Huỳnh Tấn Duy trình bày về định hướng hoàn thiện Pháp luật hình sự về bảo vệ ĐVHD, TP. Hồ Chí Minh, tháng 3/2025
Hội thảo tập trung cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam giai đoạn 2018-2024, những khó khăn, thách thức trong giải quyết vụ án liên quan đến ĐVHD và định hướng hoàn thiện pháp luật trên phương diện lý luận kết hợp thực tiễn thi hành, bao gồm định tội danh, giám định và định giá ĐVHD nhất là vảy tê tê châu Phi, bảo quản và xử lý vật chứng là ĐVHD. Đặc biệt, các đại biểu tham gia hội thảo đã đưa ra các ý kiến đề xuất sửa đổi cụ thể đối với một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự nhằm nâng cao hiệu quả xử lý các vụ án về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD nói chung và vảy tê tê nói riêng.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Phòng, chống buôn bán tê tê ở châu Á” được tài trợ bởi “Quỹ bảo vệ tê tê”, một sáng kiến của Mạng lưới Bảo tồn Động vật Hoang dã và Chương trình Cứu trợ Tê tê, do WCS Việt Nam triển khai, thực hiện.