Ninh Bình, ngày 27 tháng 9 năm 2024, Tổ chức Wildlife Conservation Society, Văn phòng đại diện tại Việt Nam (WCS Việt Nam) phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức hội thảo “Phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử và thanh toán điện tử liên quan đến động vật hoang dã”.
Các đại biểu tham dự hội thảo, Ninh Bình, tháng 9/2024
Hội thảo có sự tham gia của gần 50 đại biểu là đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật cấp Trung ương và một số địa phương liên quan đến bảo vệ ĐVHD, các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại điện tử và thanh toán điện tử, các ngân hàng thương mại, đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính phi ngân hàng, và đại diện các Khoa, phòng liên quan của Học viện Ngân hàng và trường Đại học Luật, Đại học quốc gia Hà Nội.
Theo nghiên cứu của WCS và một số tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), trong bối cảnh thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển, sự đa dạng của các loại hình thương mại điện tử và tiện ích của các loại hình thanh toán điện tử cũng góp phần làm gia tăng các hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐHVD; đặc biệt là hoạt động buôn bán trực tuyến kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Do vậy, buổi hội thảo được tổ chức nhằm mục đích: (i) tăng cường nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD, các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và thanh toán điện tử về các giao dịch rủi ro liên quan đến ĐVHD; (ii) đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan trong phòng, chống hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD trực tuyến.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã được WCS Việt Nam cập nhật về tình hình buôn bán trái pháp luật ĐVHD tại Việt Nam giai đoạn 2018-2023, cùng với các thông tin chi tiết về các phương thức, thủ đoạn sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và các hình thức, kênh thanh toán điện tử đang bị các đối tượng tội phạm trục lợi. Đại diện của Cục Phòng, chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình bày và trao đổi nội dung tóm tắt của Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018-2022; trong đó nhấn mạnh các rủi ro rửa tiền đối với lĩnh vực tội phạm môi trường, và đặc điểm nhận diện, báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan tới buôn bán trái pháp luật ĐVHD sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Trên cơ sở đó, các đại biểu được chia sẻ về những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và cập nhật khuôn khổ pháp luật về quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử và giao dịch điện tử nhằm phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm buôn bán, quảng cáo trái pháp luật ĐVHD. Các đại biểu cũng được nghe đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương chia sẻ về thực tiễn công tác quản lý và xử lý vi phạm liên quan đến quảng cáo, buôn bán trái pháp luật ĐVHD trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội; những khó khăn, vướng mắc của công tác quản lý do hạn chế về kiến thức, thông tin về bảo vệ ĐVHD, đội ngũ nhân sự còn mỏng, nhận thức và sự tham gia của các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và thanh toán điện tử còn chưa đầy đủ, chưa đồng đều trong phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD.
Tại phiên thảo luận và trong các bài trình bày trong hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng trao đổi về vai trò và thực hành của các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, các ngân hàng thương mại, và các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính phi ngân hàng trong nhận biết và giám sát các giao dịch có nguy cơ, rủi ro liên quan đến buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Đặc biệt, một trong số những giải pháp được nêu ra và đề xuất nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan trong phát hiện, xử lý và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD sử dụng thương mại điện tử và thanh toán điện tử là việc xây dựng và triển khai cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ; hay báo cáo thông tin với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; hoặc phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp như kiểm lâm, thuế, hải quan, quản lý thị trường, công an, kiểm sát. WCS Việt Nam đã ghi nhận các ý kiến trao đổi, thảo luận và sẽ đưa vào các kế hoạch hợp tác với các đối tác liên quan trong thời gian tới.
Các đại biểu trao đổi về vai trò của của các nền tảng thương mại điện tử trong phòng, chống buôn bán ĐVHD, Ninh Bình, tháng 9/2024
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Tăng cường nỗ lực phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ và WCS Việt Nam triển khai, thực hiện tại Việt Nam.