Ninh Bình, ngày 07-08 tháng 6 năm 2024, Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS), Văn phòng đại diện tại Việt Nam (WCS Việt Nam) đã tổ chức chương trình đi thực tế và cập nhật kỹ thuật về “Chính sách bảo vệ Động vật hoang dã và khuyến nghị đối với thực hành cam kết ESG trong các tổ chức tài chính tại Việt Nam”.
Chương trình có sự tham gia của ơn 20 đại biểu là đại diện của Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), một số ngân hàng thương mại, và cơ sở đào tạo về Tài chính – Ngân hàng trên địa bàn Hà Nội
TS. Bùi Thị Thu Loan, Trưởng Bộ môn Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ về tổng quan về thực hành cam kết ESG trong các tổ chức tài chính tại Việt Nam, Ninh Bình, tháng 6/2024
Trong bối cảnh ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, các hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ ĐVHD nói riêng ngày càng được quan tâm và đưa vào các chính sách và thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là khối các tổ chức tài chính. Tham gia chương trình, các đại biểu được cập nhật về thực trạng thực hành cam kết ESG trong các tổ chức tài chính tại Việt Nam, tình hình buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (ĐVHD) và các chỉ số cảnh báo rủi ro tài chính liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD; và mối liên hệ của chỉ số Môi trường (E) đối với các hoạt động bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng Chiến lược ESG và thúc đẩy thực hành ESG trong các ngân hàng, các khó khăn và vướng mắc đối với việc xây dựng và triển khai các hoạt động trong trụ cột về Môi trường (E).
Nhằm tăng cường vai trò của các chính sách bảo vệ ĐVHD đối với thực hành cam kết ESG trong các tổ chức tài chính tại Việt Nam, đại diện của WCS Việt Nam đã trao đổi và đưa ra một số đề xuất như: (i) lồng ghép các chủ đề về không buôn bán, tàng trữ, tiêu thụ/sử dụng ĐVHD và các sản phẩm của ĐVHD vào các Cam kết nội bộ, Quy tắc ứng xử dành cho lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng; (ii) lồng ghép các nội dung về phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD vào các chương trình đào tạo, truyền thông nội bộ của các ngân hàng và các cơ sở đào tạo; (iii) khuyến khích các ngân hàng tham gia các sáng kiến quốc tế về phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Đồng thời, nhằm tăng cường quản lý rủi ro ESG, các ngân hàng được khuyến nghị cần lồng ghép các nội dung về phòng, chống tội phạm môi trường, bao gồm buôn bán trái pháp luật ĐVHD vào các chính sách phòng, chống rửa tiền, và quản lý rủi ro.
Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, các đại biểu cũng có cơ hội tìm hiểu và quan sát cuộc sống về đêm của các loài ĐVHD, tìm hiểu về đặc điểm một số loài ĐVHD thường bị xâm hại như tê tê, rùa, linh trưởng, rái cá; và công tác cứu hộ và bảo tồn các loài ĐVHD tại các trung tâm cứu hộ.
Các đại biểu tham quan trung tâm cứu hộ ĐVHD tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, tháng 6/2024
Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Nâng cao hiệu quả hợp tác đa ngành trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã từ châu Phi về và tại Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện, đại diện cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang Đức (BMU); và dự án “Tăng cường nỗ lực phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.