Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 4 năm 2024, Wildlife Conservation Society, Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam) đã tổ chức buổi gặp gỡ và trao đổi với một số tổ chức tài chính về “Phát hiện và báo cáo các giao dịch tài chính có dấu hiệu buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã”.
Ông Phạm Thành Trung, Quản lý Chương trình, WCS Việt Nam phát biểu khai mạc buổi trao đổi, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2024
Tham gia buổi trao đổi có đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh, các ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế, các tổ chức tài chính phi ngân hàng và một số cơ sở đào tạo về Luật, Tài chính - Ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi trao đổi, các đại diện tham dự đã được cập nhật về tình hình buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (ĐVHD) và một số rủi rao tài chính liên quan tại Việt Nam, một số quy định pháp luật mới, sửa đổi liên quan đến đánh giá rủi ro rửa tiền và chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, các đại biểu tham dự cũng có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và thực hành tốt của các tổ chức tài chính quốc tế trong nhận biết, phát hiện và báo cáo các giao dịch tài chính có dấu hiệu buôn bán trái pháp luật ĐVHD, và kinh nghiệm phối hợp với Cơ quan phòng, chống rửa tiền, các cơ quan thực thi pháp luật trong phòng, chống rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD, thông qua phần chia sẻ của các chuyên gia đến từ Western Union (WU) khu vực châu Á – Thái Bình Dương & Trung Đông, ngân hàng United Overseas Bank (UOB) Thái Lan.
Bà Sirirut Rattanamongkolsak Trưởng bộ phận phòng chống tội phạm tài chính, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB); Nguyên Điều tra viên cấp cao thuộc Cục Phòng, chống rửa tiền Thái Lan chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2024
Trong bối cảnh Việt Nam bị đưa vào danh sách xám (danh sách giám sát tăng cường) của Lực lược đặc nhiệm tài chính (FATF) từ tháng 6/2023, các biểu và chuyên gia của WU và UOB Thái Lan cũng thảo luận về các giải pháp nhằm tăng cường vai trò và sự tham gia, quan hệ phối hợp giữa các tổ chức tài chính, đơn vị phòng, chống rửa tiền, các cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD thông qua các hoạt động theo dõi, giám sát dòng tiền bất hợp. Một trong các mô hình hiệu quả được trao đổi là mô hình Hợp tác Công – Tư (PPP) trong chia sẻ thông tin.
Ông Nick Mays Quản lý cấp cao, Đơn vị tình báo tài chính – Văn phòng thực thi pháp luật và quan hệ đối tác, Bộ phận Tuân thủ toàn cầu – Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông, Western Union chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2024
WCS Việt Nam ghi nhận các sáng kiến của các đại diện tham gia trao đổi về tăng cường sự vai trò của các tổ chức tài chính trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích thông tin, và xây dựng các dấu hiệu cảnh báo đỏ và chỉ số rủi ro nhằm hỗ trợ công tác phát hiện, điều tra các giao dịch tài chính liên quan tới buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Nâng cao hiệu quả hợp tác đa ngành trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã từ châu Phi về và tại Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện, đại diện cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang Đức (BMU); và dự án “Tăng cường nỗ lực phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.