Tiếp nối buổi nói chuyện chuyên đề đầu tiên được tổ chức vào tháng 11/2023, vào ngày 13/01/2024 tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS), Văn phòng Việt Nam phối hợp cùng Khoa Báo chí và Truyền thông (BC&TT), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề số 2 với đề tài “Phương pháp kể chuyện trong xây dựng tác phẩm báo chí, truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã”.
Diễn giả Lê Thiện Trí, Giám đốc kỹ thuật Phát triển ngôn ngữ, Room to Read Việt Nam chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/2024
Tại buổi nói chuyện chuyên đề, 45 sinh viên của Khoa BC&TT đã được tìm hiểu và thực hành kỹ năng kể chuyện tạo sự thay đổi thông qua sự dẫn dắt của diễn giả Lê Thiện Trí, Giám đốc kỹ thuật Phát triển ngôn ngữ, Room to Read Việt Nam. Bằng các công cụ kể chuyện từ bản đồ, kể chuyện bằng từ khoá và xâu chuỗi câu chuyện, các sinh viên đã được làm quen để tự mình kể câu chuyện của bản thân và khai thác câu chuyện của cộng đồng. Đây là một trong những công cụ quan trọng giúp sinh viên báo chí, truyền thông tạo sự đồng cảm và khai thác câu chuyện của người được phỏng vấn một cách chân thực hơn.
Nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu, ban Văn hóa – Xã hội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV2) trao đổi cùng sinh viên, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/2024
Tiếp đó, các sinh viên được giới thiệu về phương pháp kể chuyện trong xây dựng tác phẩm báo chí, truyền thông, đặc biệt là trong chủ đề bảo vệ động vật hoang dã thông qua phần trình bày của nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu, Ban Văn hóa – Xã hội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV2). Thông qua việc phân tích các ví dụ về các bài viết điển hình, nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu đã hướng dẫn sinh viên xây dựng một câu chuyện một cách chân thật, chi tiết, đồng thời truyền tải cảm xúc của người viết tới người đọc.
Buổi nói chuyện chuyên đề được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phá vỡ chuỗi cung ứng bất hợp pháp ĐVHD ở châu Á thông qua thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ và các tổ chức xã hội nhằm tăng cường hiệu quả hành động của chính phủ” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.