Tiếp nối thành công của chương trình hướng dẫn và đào tạo tại hiện trường “Đi và Kể” được tổ chức vào năm 2020 và 2022, Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS), Văn phòng Việt Nam phối hợp cùng Khoa Báo chí và Truyền thông (BC&TT), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) tổ chức chương trình “Đi và Kể” dành cho sinh viên báo chí, truyền thông khu vực miền Nam. Trải qua vòng đơn, 20 sinh viên thuộc Khoa BC&TT đã được lựa chọn tham gia khoá tập huấn tại thực địa kéo dài trong 3 ngày (21-23/12/2023) tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai. Khóa tập huấn này là hoạt động đầu tiên trong hành trình “Đi và Kể” của các bạn sinh viên.
Sinh viên tham gia khoá tập huấn Đi và Kể, Đồng Nai, tháng 12/2023
Mục tiêu của khóa tập huấn là nhằm trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để khai thác các chủ đề về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) và xây dựng các tác phẩm báo chí, truyền thông. Trong ba ngày tập huấn, thông qua phần chia sẻ và các hoạt động tương tác của WCS Việt Nam, các học viên đã được tìm hiểu về chuỗi cung ứng ĐVHD, khuôn khổ pháp luật về bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam, các hành vi vi phạm phổ biến và rủi ro dịch bệnh tại từng mắt xích của chuỗi cung ứng ĐVHD. Đồng thời, các học viên cũng có cơ hội thực hành áp dụng kiến thức về bảo vệ ĐVHD để nhận biết và sử dụng kênh báo chí, truyền thông để phản ánh một trường hợp vi phạm cụ thể. Các học viên cũng được truyền tải kinh nghiệm làm báo, kỹ năng khai thác đề tài, thu thập thông tin và xây dựng tác phẩm báo chí đa phương tiện từ 3 nhà báo nhiều kình nghiệm gồm nhà báo Phan Văn Tú; Thượng tá, nhà báo Nguyễn Hồng Lam và nhà báo, biên kịch Nguyễn Thị Minh Diệu. Bên cạnh đó, các học viên của khoá tập huấn còn được làm quen, hướng dẫn và thực hành kỹ năng xây dựng một chiến dịch truyền thông cho các dự án xã hội bởi chuyên gia truyền thông Đặng Văn Ân, Giám đốc Omega Media chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.
Hướng dẫn sinh viên sử dụng Sổ tay nhận biết và báo cáo vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD, Đồng Nai, tháng 12/2023
Chương trình cũng tạo cơ hội cho các học viên được tìm hiểu thực tế hoạt động bảo tồn ĐVHD thông qua trải nghiệm xem thú đêm tại VQG Cát Tiên, tham quan Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, và khu bảo tồn Bầu Sấu; giao lưu và trao đổi với đại diện lực lượng kiểm lâm VQG Cát Tiên, các cán bộ chăm sóc thú về những nỗ lực và thách thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng, cứu hộ và bảo tồn ĐVHD. Đây sẽ là những hành trang quý giá để các học viên tiếp tục đồng hành dưới sự hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” trực tiếp từ các nhà báo, chuyên gia truyền thông của chương trình để có thể xây dựng, hoàn thiện tác phẩm báo chí, sản phẩm truyền thông chất lượng phản ánh những góc nhìn đa dạng về tình hình săn bắt, buôn bán trái pháp luật ĐVHD tại Việt Nam.
Khóa tập huấn được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Mạng lưới cung cấp thực phẩm từ động vật hoang dã” được thực hiện với sự hỗ trợ từ Oak Foundation và dự án “Nâng cao hiệu quả hợp tác đa ngành trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã từ Châu Phi về Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện, đại diện cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang Đức (BMU), kết hợp chuyên môn và nguồn lực từ năm bộ của Liên bang Đức, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.