Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20-21 và 22-23 tháng 6 năm 2023, Tổ chức Wildlife Conservation Society - Chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam) phối hợp với trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Học viện Ngân hàng tổ chức hai hội nghị tập huấn “Xác định dòng tài chính bất hợp pháp của buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã” với mục tiêu tăng cường các kỹ năng nhận diện, phân tích và báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (ĐVHD) cho các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng; từ đó tăng cường hiệu quả phát hiện, xử lý tội phạm rửa tiền liên quan tới buôn bán trái pháp luật ĐVHD và góp phần bảo vệ ĐVHD.
Ông Chris Batt, Nguyên cố vấn về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố khu vực tiểu vùng sông Mê-kông của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6/2023
Đây là hai sự kiện hội nghị tập huấn được WCS Việt Nam và các đối tác thiết kế và thực hiện dựa trên kết quả đánh giá về Nhu cầu nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực trong phòng, chống rửa tiền (PCRT) liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD của đơn vị tình báo tài chính, ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Đánh giá nằm trong phạm vi báo cáo “Khảo sát về nhận thức và năng lực của đơn vị tình báo tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính về phòng, chống rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD tại Việt Nam’’ được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Học viện Ngân hàng, trong khuôn khổ hợp tác giữa WCS Việt Nam và Học viện Ngân hàng.
Bên cạnh đó, theo kết quả sơ bộ của hoạt động khảo sát trên các nền tảng trực tuyến, tổ chức WCS Việt Nam đã thu thập được bằng chứng của hơn 30 đối tượng sử dụng các công cụ thanh toán ngân hàng trực tuyến để tiến hành các giao dịch mua bán ĐVHD và sản phẩm ĐVHD trong giai đoạn 2019-2023 và có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ các loài ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Giá trị giao dịch của các đối tượng được ghi nhận có sự dao động lớn phụ thuộc vào loài và số lượng ĐVHD và sản phẩm ĐVHD bị buôn bán. Các giao dịch này có thể từ vài chục, vài trăm nghìn đồng (nộp tiền cọc) lên tới hàng trăm triệu đồng cho các sản phẩm ĐVHD bị cấm và có giá trị cao trên thị trường chợ đen. Hiện tại nhóm nghiên cứu của WCS đang tiếp tục thu thập dữ liệu để làm rõ các hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD lợi dụng các kênh thanh toán trực tuyến, ví điện tử và các dịch vụ tài chính tiện ích khác . Để ngăn chặn các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã, đang, và có chiều hướng gia tăng trên không gian mạng, sẽ cần tới sự tham gia cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ ĐVHD và trách nhiệm phòng, chống rửa tiền… của các tổ chức tài chính có liên quan kể trên.
Hai hội nghị tập huấn này có sự tham của hơn 50 cán bộ thuộc các phòng ban, đơn vị liên quan đến thanh tra giám sát ngân hàng, PCRT của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chi nhánh tại các tỉnh, thành được xác định là điểm nóng về buôn bán trái pháp luật ĐVHD như Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh…; các đơn vị điều tra và phòng, chống tội phạm tài chính; PCRT của các ngân hàng thương mại như Vietcombank, HSBC, ACB, VietBank…; các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính phi ngân hàng như Zalo pay, M_Service (Công ty Cổ phần Di Động Trực Tuyến)... Cũng trong chuỗi hội nghị tập huấn này, các phóng viên, nhà báo đến từ các đơn vị báo chí trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, pháp luật và phát triển bền vững tham dự và đưa tin nhằm hiểu hơn về các rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD, cũng như vai trò và sự cần thiết của đối tác công tư (việc phối hợp giữa các Tổ chức Phi chính phủ, khối tài chính - ngân hàng và các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật) trong việc phòng, chống rủi ro rửa tiền từ hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Qua đó, các phóng viên, nhà báo có thể góp phần nâng cao nhận thức của công chúng và các tổ chức, đơn vị tham gia công tác bảo vệ ĐVHD và PCRT thông qua việc xây dựng các bài viết, tác phẩm báo chí liên quan đến những chủ đề này..
Tại mỗi chương trình hội nghị tập huấn, các đại biểu được giới thiệu về khái niệm và các giai đoạn rửa tiền, khuôn khổ pháp luật Việt Nam về PCRT và các chỉ số cảnh báo đỏ về buôn bán trái pháp luật ĐVHD, cũng như được cập nhật về vai trò của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF), đơn vị tình báo tài chính (FIU), và cơ chế báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Đặc biệt, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các vụ việc điển hình, thực hành các kỹ năng nhận biết, phân tích các giao dịch đáng ngờ và dòng tiền bất hợp pháp nói chung và liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD nói riêng. Các đại biểu cũng được nghe chia sẻ thực tiễn từ đại diện của Cục PCRT – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,đại diện cơ quan thực thi pháp luật, các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, góp phần thúc đẩy sự tham gia và hành động của các định chế tài chính trong phòng, chống tội phạm buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
Các đại biểu thảo luận nhóm, thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6/2023
Hai hội nghị tập huấn này nằm trong chuỗi hoạt động được WCS Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ dự án “Nhân rộng, nâng cao nỗ lực phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.