Hà Nội, ngày 8 tháng 12 năm 2022, tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) – Chương trình Việt Nam phối hợp cùng Học viện Ngân hàng (HVNH) tổ chức hội thảo tham vấn báo cáo khảo sát về nhận thức, năng lực phát hiện và phòng ngừa các rủi ro tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã với sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các định chế tài chính, các cơ quan thực thi pháp luật tuyến Trung ương và một số tỉnh thành trọng điểm về buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (ĐVHD) như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng; các đơn vị nghiên cứu, đào tạo về ngân hàng, luật, cảnh sát; các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn. Hoạt động khảo sát và hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng, HVNH, Hà Nội, tháng 12/2022
Báo cáo khảo sát nhận thức, năng lực phát hiện và phòng ngừa các rủi ro tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã do WCS phối hợp với HVNH thực hiện từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2022 với sự tham gia của 428 cán bộ đến từ Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) và các chi nhánh cấp tỉnh, các ngân hàng thương mại (NHTM), các tổ chức tài chính (TCTC) phi ngân hàng, cơ quan thuế, cơ quan thực thi pháp luật như công an, hải quan, và các tổ chức quốc tế thông qua khảo sát bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu. Đây là bước đầu tiên trong nỗ lực của WCS nhằm hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực phát hiện, phòng ngừa rủi ro tài chính liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD cho các cơ quan thực thi pháp luật và định chế tài chính tại Việt Nam. Các kết quả quan trọng của khảo sát đã được chia sẻ và thảo luận sôi nổi tại hội thảo tham vấn này.
Theo kết quả khảo sát, có ít nhất 73,4% cán bộ ngân hàng được khảo sát nhận định buôn bán trái pháp luật ĐVHD là một hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền ở mức cao và trung bình cao; trên 60% cán bộ NHTM được khảo sát đều có hiểu biết cơ bản về các biện pháp và hoạt động phòng chống rửa tiền (PCRT) liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD đang được triển khai. Các cán bộ được khảo sát đều nhận định có 3 hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao là hoạt động chuyển tiền/ thanh toán, thanh toán quốc tế/ tài trợ thương mại, và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Khoảng 95% cán bộ được khảo sát cho biết những quy định nội bộ tại ngân hàng trong lĩnh vực PCRT chỉ có các nội dung chung chung, chưa có nội dung cụ thể cho buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Các cán bộ được khảo sát cũng chia sẻ rằng chưa có quy định và quy trình cụ thể về chia sẻ thông tin, hoặc phối hợp điều tra các rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD giữa các ngân hàng và cơ quan thực thi pháp luật.
Ông Phạm Thành Trung, Quản lý chương trình, Tổ chức WCS Việt Nam, Hà Nội, tháng 12/2022
Các ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được tổng hợp và tiếp thu nhằm hoàn thiện bản báo cáo khảo sát. Bản báo cáo này sẽ được chia sẻ đến các định chế tài chính, cơ quan thực thi pháp luật, và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn nhằm thiết kế các hoạt động tăng cường năng lực và xây dựng chính sách góp phần phòng, chống hiệu quả các nguy cơ rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD tại Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu có cơ hội được nghe và thảo luận về kinh nghiệm phát hiện, ngăn chặn và triệt phá tội phạm tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD thông qua chia sẻ của đại diện Lực lượng đặc nhiệm liên ngành về phòng, chống rửa tiền Nam Phi (SAMLIT) và Quỹ Hoàng gia Anh về bảo vệ ĐVHD.
Toàn cảnh buổi hội thảo, Hà Nội, tháng 12/2022