Ngày 6/12/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp HCM), Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) – Chương trình Việt Nam phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp HCM (Trường Nghiệp vụ) tổ chức hội thảo “Tăng cường phối hợp liên ngành trong hoạt động phòng, chống rửa tiền và đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã”.
Toàn cảnh buổi hội thảo, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12/2022
Hội thảo có sự tham gia của hơn 60 đại biểu là đại diện của Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Tòa án nhân dân của các tỉnh phía nam, đại diện của một số ngân hàng thương mại có trụ sở ở Tp HCM, và đại diện của một số cơ sở đào tạo Luật, kiểm sát, công an.
Hơn 60 đại biểu tham dự hội thảo, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12/2022
Hội thảo cung cấp thông tin về các cơ sở pháp lý và thực tiễn công tác phòng ngừa và đấu tranh chống rửa tiền tại Việt Nam đồng thời nhấn mạnh vai trò phối hợp với các cơ quan thẩm quyền của Cục Phòng, chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng thương mại trong việc chia sẻ thông tin tình báo tài chính và điều tra tài chính trong các vụ việc buôn bán trái phép động vật hoang dã, Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của các đại diện đến từ Lực lượng đặc nhiệm tài chính, Quỹ Hoàng gia Anh về bảo vệ ĐVHD (UfW), các thành viên của Lực lượng đặc nhiệm liên ngành phòng, chống rửa tiền của Nam Phi (SAMLIT) gồm Đại diện Ngân hàng Investec, Trung tâm tình báo tài chính Nam Phi và Tổng cục Điều tra tội phạm ưu tiên, Bộ cảnh sát Nam Phi. Tại đây, các đại diện của SAMLIT và UfW đã chia sẻ với các đại biểu Việt Nam kinh nghiệm của Nam Phi tiến hành huy động sự tham gia của các tổ chức tài chính, các tổ chức phi chính phủ trong việc phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan tư pháp nhằm phát hiện và ngăn chặn các dòng tiền bất hợp pháp từ hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Hợp tác phòng chống săn bắt và buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ở châu Á và châu Phi” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện, đại diện cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang Đức (BMU), kết hợp chuyên môn và nguồn lực từ năm bộ của Liên bang Đức, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.