Thừa Thiên Huế, ngày 24-25/11/2022, Tổ chức Wildlife Conservation Society – Chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam) đã phối hợp với trường Đại học Luật (ĐHL), Đại học Huế tổ chức khóa tập huấn “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể trong bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam”. Khóa tập huấn này nằm trong chuỗi hoạt động do WCS phối hợp với (ĐHL), Đại học Huế thực hiện trong năm 2022 nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam.
36 học viên tham dự khóa tập huấn, Thừa Thiên Huế, tháng 11/2022
36 học viên là đại diện các tổ chức xã hội, đoàn thể như Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội Phụ nữ của các 11 xã vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã thuộc huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế; và các cán bộ kiểm lâm của VQG Bạch Mã đã tham dự khóa tập huấn.
Phát biểu tại khai mạc lớp tập huấn, PGS.TS. Đoàn Đức Lương – Hiệu trưởng trường ĐHL (Đại học Huế) cho biết hành vi tiêu thụ ĐVHD hay sản phẩm ĐVHD gắn kết chặt chẽ với các vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD là nguyên nhân chính dẫn sự suy giảm về đa đạng học tại nhiều VQG và khu bảo tồn; trong đó có VQG Bạch Mã. Ông bày tỏ mong muốn thông qua hoạt động tập huấn này sẽ tạo ra một mạng lưới các tổ chức xã hội, đoàn thể được trang bị kiến thức và kỹ năng để tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD cho người dân và cộng đồng trên địa bàn.
Đại diện của tổ chức WCS Việt Nam, ông Phạm Thành Trung cũng nhấn mạnh, mặc dù các cơ quan thực thi pháp luật đã nỗ lực trong các hoạt động phòng, chống vi phạm và tội phạm về ĐVHD trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; tuy nhiên, tình trạng săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ trái pháp luật ĐVHD vẫn còn diễn ra tại một số địa bàn vùng đệm của VQG Bạch Mã. Do vậy, các tổ chức xã hội, đoàn thể có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết và lan tỏa rộng rãi các hoạt động bảo vệ ĐVHD tại cộng đồng.
Ông Đặng Văn Kiệm - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế - Chi cục kiểm lâm Thừa Thiên Huế trao đổi tại hội thảo, Thừa Thiên Huế, tháng 11/2022
Thông qua khóa tập huấn, các học viên được cập nhật về tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các kiến thức liên quan đến ĐVHD như khung pháp lý về bảo vệ ĐVHD, kỹ năng nhận diện loài, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm thường bị xâm hại tại khu vực VQG Bạch Mã. Học viên cũng được hướng dẫn nhận diện và báo cáo dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD; đồng thời được tập huấn các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Kết thúc khóa tập huấn, các giảng viên đến từ ĐHL, Đại học Huế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, VQG Bạch Mã đã hướng dẫn đại diện các xã xây dựng kế hoạch hành động về bảo vệ ĐVHD để thực hiện trên địa bàn.
Học viên tham gia tập huấn tham khảo cuốn Sổ tay báo cáo vi phạm của WCS, Thừa Thiên Huế, tháng 11/2022
Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phá vỡ chuỗi cung ứng bất hợp pháp động vật hoang dã ở châu Á thông qua thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ và các tổ chức xã hội nhằm tăng cường hiệu quả hành động của chính phủ” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.