Thừa Thiên Huế, ngày 12/11/2022, Tổ chức Wildlife Conservation Society – Chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam) đã phối hợp với trường Đại học Luật (ĐHL), Đại học Huế tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Sinh viên tìm hiểu pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã”. Đây là hoạt động tổng kết chuỗi hoạt động do WCS phối hợp với các đối tác thực hiện trong năm 2022 nhằm tăng cường sự tham gia của thanh niên trong bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam.
Sinh viên và giảnh viên ĐHL tham dự cuộc thi, Thừa Thiên Huế, tháng 11/2022
Tham dự sự kiện có đại diện ban lãnh đạo trường ĐHL (Đại học Huế), 4 đội thi chung kết, ban giám khảo là giảng viên về pháp luật hình sự và hành chính trường ĐHL (Đại học Huế), cán bộ kiểm lâm của vườn quốc gia Bạch Mã, Luật sư của Đoàn Luật sư Đà Nẵng, chuyên gia của tổ chức WCS Việt Nam, và gần 700 giảng viên, sinh viên của ĐHL.
PGS.TS. Nguyễn Duy Phương – Phó hiệu trưởng trường ĐHL, Đại học Huế phát biểu khai mạc cuộc thi, Thừa Thiền Huế, tháng 11/2022
Phát biểu khai mạc tại Cuộc thi, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương – Phó hiệu trưởng trường ĐHL, Đại học Huế nhấn mạnh “…Đây là lần đầu tiên các hoạt động của sinh viên gắn với chủ đề bảo vệ ĐVHD được thực hiện trực tiếp tại trường ĐHL. Chúng tôi mong muốn thông qua hoạt động này, sinh viên trường luật sẽ gắn kết hơn với công tác bảo vệ ĐVHD, ngăn chặn tình trạng săn, bắt, buôn bán trái pháp luật ĐVHD phổ biến trên địa tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Chính thức phát động từ đầu tháng 10/2022, cuộc thi đã thu hút 81 bài dự thi của sinh viên bằng hình thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm và làm bài luận về vai trò của sinh viên đối với hoạt động bảo vệ ĐVHD tại địa phương. Sau vòng thi sơ loại, 29/81 ứng viên được lựa chọn đã ghép thành 10 nhóm để thể hiện khả năng hùng biện về các chủ đề liên quan đến bảo vệ ĐVHD thông qua các video tự quay. Qua các vòng thi, ban tổ chức đã chọn ra 4 đội thi gồm 12 gương mặt sinh viên xuất sắc bước vào vòng thi chung kết.
Để chuẩn bị cho vòng thi này, WCS đã phối hợp với trường ĐHL (Đại học Huế) tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu 3 ngày (từ ngày 28-30/10/2022) nhằm trang bị cho các đội thi các kiến thức pháp luật về bảo vệ ĐVHD, kỹ năng tranh biện và tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới cộng đồng. Học viên đã được hướng dẫn nhận diện và báo cáo dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD đến các cơ quan có thẩm quyền, hoặc các tổ chức bảo tồn; đồng thời thực hành các kỹ năng nhận dạng một số loài ĐVHD bị xâm hại phổ biến thông qua sử dụng phần mềm nhận dạng loài do WCS Việt Nam xây dựng và trải nghiệm thực tế tại vườn quốc gia Bạch Mã.
Sinh viên đi thực địa tại Vườn quốc gia Bạch Mã, Thừa Thiên Huế, tháng 10/2022
Tại vòng thi chung kết, các đội thi đã hoàn thành xuất sắc ba phần thi gắn với nội dung pháp luật bảo vệ ĐVHD, bao gồm: (i) tuyên truyền pháp luật về bảo vệ ĐVHD; (ii) trả lời nhanh các câu hỏi về kiến thức pháp luật về bảo vệ ĐVHD và xử lý vi phạm, (iii) tranh biện theo chủ đề. Với hai chủ đề tranh biện được lựa chọn phản ánh thực trạng xâm hại đến ĐVHD hiện nay, gồm “Tiêu thụ thịt và sản phẩm ĐVHD” và “Nuôi ĐVHD làm cảnh/thú cưng”, mỗi cặp đội thi có thời gian bày tỏ quan điểm và phản biện ý kiến của đối thủ. Các đội thi đã có phần tranh biện vô cùng gây cấn khi đưa ra các lập luận dựa trên các cơ sở pháp lý, cơ sở xã hội, cơ sở khoa học… Sau gần 3 tiếng tranh tài cho các phần thi, Ban giám khảo đã lựa chọn được các gương mặt xuất sắc cho cuộc thi. Những sinh viên này mặc dù mới tiếp cận chủ đề về bảo vệ ĐVHD nhưng đã cho thấy sự am hiểu về pháp luật bảo vệ ĐVHD cũng như kỹ năng lập luận pháp lý linh hoạt, sáng tạo.
Đội giành giải nhất và giải nhì tại cuộc thi, Thừa Thiên Huế, tháng 11/2022
Cũng trong thời gian này, cuộc thi thiết kế Infographic về pháp luật bảo vệ ĐVHD cũng được phát động đến toàn thể sinh viên trường ĐHL (Đại học Huế). Từ 12 tác phẩm dự thi của sinh viên, dựa trên kết quả chấm của Ban giám khảo và lượt bình chọn trên Fanpage cuộc thi, ban tổ chức cũng đã lựa chọn các tác phẩm xuất sắc và trao giải.
Chuỗi hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phá vỡ chuỗi cung ứng bất hợp pháp động vật hoang dã ở châu Á thông qua thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ và các tổ chức xã hội nhằm tăng cường hiệu quả hành động của chính phủ” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.