Ngày 28 tháng 9 năm 2022, Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) – chương trình Việt Nam phối hợp cùng trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức buổi hội thảo khoa học: “Những vấn đề pháp lý và thực tiễn trong hoạt động phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) trên tuyến đường biển từ Châu Phi về Việt Nam”. Hội thảo được thực hiện nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường hợp tác giữa các nước châu Phi và châu Á trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD” do Cục Phòng chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.
Hơn 50 đại biểu đã tham dự hội thảo, Vũng Tàu, tháng 9/2022
Hơn 50 đại biểu đã tham dự hội thảo là đại diện của các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật, các cơ quan tư pháp như Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, Tổng cục hải quan, Cục Hải quan TP HCM, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cục Hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Cảng vụ hàng hải thành phố Hồ Chí Minh, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh) (VKSND TP. HCM; đại diện khối tư nhân như Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, Công ty CP Cảng Hải Phòng, Công ty CP vận tải biển Việt Nam (Vosco); và đại diện các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu như Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế ĐH Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đại học Luật - Đại học Huế, Viện Hàng hải -Trường ĐH Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Hải quan Việt Nam, Viện Khoa học Cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân); và Tổ chức WCS, Chương trình Việt Nam.
Chủ tọa điều phối buổi hội thảo, Vũng Tàu, tháng 9/2022
Theo dữ liệu WCS thu thập từ những nguồn mở, từ năm 2015 đến tháng 8 năm 2022, đã ghi nhận 34 vụ bắt giữ trong nước, 8 vụ bắt giữ ở nước ngoài nhưng có đích đến là Việt Nam liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD trên tuyến đường biển từ các nước châu Phi, đặc biệt là từ các quốc gia Trung Phi, về Việt Nam. Trong những năm gần đây, tuyến đường biển ngày càng bị các đối tượng phạm tội khai thác triệt để trong việc vận chuyển số lượng lớn ĐVHD với phương thức che giấu hàng tinh vi trong các con-ten-nơ chở hàng. Hội thảo đưa ra các đánh giá, nhìn nhận đối với khuôn khổ pháp luật quốc tế và Việt Nam về phòng, chống buôn bán trái phép ĐVHD trên tuyến đường biển, vai trò của đơn vị vận tải và cảng biển và sự phối hợp của các cơ quan thực thi pháp luật như hải quan, công an, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển trong công tác phát hiện, bắt giữ và xử lý hành vi liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD bằng đường biển tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu cũng đã có cơ hội chia sẻ, trao đổi và thảo luận về các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, điều tra, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi, đặc biệt là các quốc gia Trung Phi trong việc xử lý hiệu quảcác vụ việc vận chuyển trái phép ĐVHD từ châu Phi về Việt Nam.