Đà Nẵng, ngày 8 tháng 9 năm 2022, Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) và tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) – Chương trình Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng cường cơ chế hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”. Hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Xây dựng hợp tác giữa Châu Á và Châu Phi trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Tham dự hội thảo có Lãnh đạo Vụ 13 cùng hơn 40 đại biểu từ các đơn vị của VKSNDTC, VKSND 17 tỉnh/thành phố thuộc cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và WCS. Đặc biệt, cuộc họp có sự tham gia trực tuyến của 14 đại biểu đại diện cho Cơ quan Tổng chưởng lý Mô-dăm-bích và INL Việt Nam.
Các đại biểu tham dự buổi hội thảo, Đà Nẵng, tháng 9/2022
Nội dung hội thảo tập trung vào đánh giá các quy định pháp luật và thực trạng thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự (TTTPHS) tại Việt Nam và Mô-dăm-bích, cũng như thảo luận tìm hiểu các khó khăn/thách thức trong thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế và TTTPHS trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (ĐVHD) giữa Việt Nam và các nước châu Phi nói chung, Mô-dăm-bích nói riêng; trao đổi đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Mô-dăm-bích trong việc xử lý các yêu cầu TTTPHS liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Hội thảo cũng giới thiệu cuốn “Sổ tay công tác tương trợ tư pháp về hình sự” nhằm hướng dẫn cho các cơ quan Việt Nam quy trình thực hiện TTTPHS với các cơ quan nước ngoài và nhận được phản ứng tích cực từ các đại biểu tham gia hội thảo.
Tại hội thảo, bà Vũ Thị Hải Yến – Vụ trưởng, Vụ 13, VKSNDTC chia sẻ “Vụ 13 cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh/thành phố cũng như các cơ quan điều tra trong quá trình thực hiện các yêu cầu TTTPHS cũng như tiếp nhận và gửi các yêu cầu TTTPHS tới các cơ quan thẩm quyền nước ngoài. Cán bộ của Vụ 13 đều rất trẻ và nhiệt tình, sẵn sàng tiếp nhận thông tin, yêu cầu hỗ trợ qua các kênh khác nhau như điện thoại, e-mail bất cứ lúc nào. Hoạt động tương trợ tư pháp vẫn còn nhiều khó khăn do rào cản từ sự khác nhau giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước, nhưng Vụ 13 vẫn sẽ cố gắng thực hiện hỗ trợ trong thời gian sớm nhất”.
Toàn cảnh phiên hội thảo với Cơ quan Tổng chưởng lý Mô-dăm-bích, Đà Nẵng, tháng 9/2022
Bà Amélia Machava - Vụ trưởng Vụ hợp tác về thu hồi tài sản, Cơ quan Tổng chưởng lý Mô-dăm-bích hy vọng “sẽ có thêm nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cả các Công tố viên và thẩm phán cũng như điều tra viên về các vấn đề liên quan đến thực hiện TTTPHS trong các vụ án liên quan đến ĐVHD. Việc tăng cường trao đổi thông tin về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đặc biệt là tội phạm về ĐVHD qua nhiều kênh là cần thiết để giảm thời gian xử lý, điều tra các vụ án.”
Ông Phạm Thành Trung, Quản lý chương trình, tổ chức WCS Việt Nam chia sẻ “WCS cam kết sẽ tiếp tục là cầu nối hỗ trợ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế và TTTPHS giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi, trong đó có Mô-dăm-bích, góp phần phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm xuyên quốc gia”.