Ngày 29/7/2022, tại trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Wildlife Conservation Society (WCS) – Chương trình Việt Nam phối hợp với Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức “Phiên tòa giả định xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Tiếp nối khóa tập huấn “Tăng cường kỹ năng tranh biện cho sinh viên”, phiên tòa giả định được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.
Sinh viên tham dự diễn án tại phiên tòa giả định, Hà Nội, tháng 7/2022
Tham dự phiên tòa gồm có TS .Phan Văn Tâm, Hiệu trưởng trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc quốc gia của Tổ chức WCS Việt Nam và gần 90 giảng viên, sinh viên của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và cán bộ của Tổ chức WCS Việt Nam.
Lấy tình tiết từ một vụ án có thực đã xét xử liên quan hành vi nuôi nhốt, giết mổ cá thể tê tê trong một nhà hàng để phục vụ làm món ăn, các giảng viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã xây dựng một kịch bản xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm và hướng dẫn sinh viên diễn án. Trong phiên tòa giả định, 15 bạn sinh viên được chia làm 4 nhóm: nhóm Hội đồng xét xử, nhóm Luật sư, nhóm Kiểm sát viên và nhóm bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…. vận dụng kiến thức và các kỹ năng tranh tụng thể hiện lập luận pháp lý nhằm làm rõ diễn biến khách quan của sự việc và đưa ra bản án thích đáng với đối tượng phạm tội. Phiên tòa mô phỏng này không chỉ là cơ hội giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự; thực hành áp dụng kiến thức và kỹ năng vào quá trình xét xử vụ án sau này mà còn truyền tải thông điệp giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ ĐVHD.
Trong thời gian tới, WCS sẽ tiếp tục phối hợp với các trường đào tại luật tổ chức chuỗi chương trình học tập thông qua hình thức diễn án, tranh biện. Qua đó sinh viên sẽ có cơ hội thực hành các kiến thức và kỹ năng, đồng thời rèn luyện tư duy linh hoạt đối với các vấn đề pháp luật nói chung và với công tác bảo vệ ĐVHD nói riêng.