Ngày 27/5/2022, tại tỉnh Quảng Ninh, tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - Chương trình Việt Nam phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học - Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Tọa đàm “Sơ kết 04 năm thi hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự”. Tọa đàm được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ở Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.
Các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm, Quảng Ninh, tháng 5/2022
Tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Biên Thuỳ, Thẩm phán TANDTC, bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc quốc gia tổ chức WCS tại Việt Nam và ông Jonathan Gandomi, Điều phối viên chương trình Thực thi pháp luật và Tư pháp, ĐSQ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng hơn 50 đại diện đến từ Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện của 15 tỉnh, thành phố.,
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đều nhất trí rằng trong hơn 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) thông qua việc ban hành các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể về bảo vệ ĐVHD mức xử phạt vi phạm hành chính và hình sự đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD đã nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, sau khoảng 4 năm triển khai, thực thi các quy định của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP về bảo vệ ĐVHD, các quy định về chế tài xử lý hình sự đối với các vi phạm về bảo vệ ĐVHD vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc, dẫn đến việc vận dụng pháp luật của các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan tư pháp chưa thống nhất. Do vậy, việc tổng kết thi hành pháp luật là vô cùng cần thiết nhằm đánh giá hiệu quả của các văn bản pháp luật được áp dụng trên thực tế.
Thạc sĩ Nguyễn Biên Thùy - Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phát biểu, Quảng Ninh, tháng 5/2022
Đây cũng là dịp để đại diện các cơ quan, đơn vị chuyên môn cùng rà soát, phát hiện những bất cập, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung. Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Biên Thùy - Thẩm phán TANDTC nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy về cách làm luật; việc điều tra tội phạm về bảo vệ ĐVHD mang nhiều đặc thù riêng so với các loại tội danh khác nên không nên giải quyết các bằng quy định pháp luật thông thường. Trước mắt cần nghiên cứu ban hành các hướng dẫn cụ thể như việc xử lý tang vật là ĐVHD còn sống, quy định về định giá ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm là hàng cấm…
Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về nhu cầu áp dụng và viện dẫn án lệ trong xét xử các vụ án vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam. Một số đại biểu từ Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố đã dẫn chứng các bản án điển hình có thể cân nhắc làm phát triển nguồn án lệ cho các vụ án liên quan đến ĐVHD.