Đà Nẵng, ngày 10/02/2022, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phối hợp với Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS), Chương trình Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường kiểm sát hoạt động thu thập, đánh giá chứng cứ điện tử trong giải quyết các vụ án hình sự”. Chương trình có sự tham gia của gần 50 đại biểu tham dự đến từ Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao; VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và VKSND các tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Hà Nội, Hải Phòng; Trường Đào tạo Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm sát và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức về Luật giám định tư pháp và chứng cứ điện tử cho đại diện một số Cục, vụ của VKSND tối cao và các đơn vị trực thuộc liên quan; đại diện VKSND một số tỉnh, thành phố và đội ngũ giảng viên của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, đảm bảo việc hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất.
Các đại biểu tham dự hội thảo, Đà Nẵng, 02/2022
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn về hoạt động phát hiện, thu giữ, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ kỹ thuật số nhằm nâng cao hiệu quả xử lý các vụ án hình sự nói chung và vụ án liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) nói riêng. Qua Hội thảo này, đội ngũ giảng viên của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cũng được nâng cao kiến thức về thực tiễn áp dụng các quy định liên quan chứng cứ là dữ liệu điện tử nhằm định hướng triển khai các hoạt động nâng cao năng lực nhằm tăng cường kiểm sát hoạt động thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ điện tử trong hệ thống ngành Kiểm sát nhân dân.
Hiện nay, tình hình buôn bán trái phép ĐVHD tại Việt Nam và trên thế giới đã và đang thay đổi khó lường cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Theo Báo cáo Internet, tài nguyên Internet Việt Nam 2021 của Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến 31/3/2021, ước tính có hơn 5,1 tỷ người truy cập Internet, chiếm 65,6% dân số thế giới. Xét riêng tại khu vực Đông Nam Á, năm 2021 có hơn 440 triệu người dùng Internet, chiếm 75% dân số. Tỷ lệ này phản ánh mức độ thâm nhập rất lớn của Internet vào đời sống, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi hầu hết mọi người thực hiện giãn cách xã hội, giao dịch chủ yếu trên không gian mạng. Các hoạt động buôn bán trái phép các loài ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hoạt động thu mua, buôn bán trái phép diễn ra trên mạng Internet dưới nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Đây là thị trường lớn, tiềm năng cho các băng nhóm, đối tượng phạm tội bởi các giao dịch điện tử thường ẩn danh, khó truy vết; việc các băng nhóm, đối tượng phạm tội sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện hành vi phạm tội hoặc che giấu thông tin phạm tội (như tạo tài khoản ảo, xóa dữ liệu, phá sập trang Web đã tạo ra; sử dụng web ẩn, từ lóng, mã code; thay đổi nền tảng trực tuyến…) gây khó khăn cho công tác phát hiện và thu thập chứng cứ số của các cơ quan thực thi pháp luật.
Theo Báo cáo do Quỹ quốc tế về phúc lợi động vật (IFAW) công bố năm 2018 xác định được hơn 5.000 quảng cáo trên hơn 100 thị trường trực tuyến và nền tảng truyền thông xã hội, lập danh mục gần 12.000 mẫu vật nguy cấp và bị đe dọa trị giá gần 4 triệu USD. Báo cáo này không bao gồm các mặt hàng được quảng cáo trong các nhóm Facebook kín hoặc riêng tư, các trang web được bảo vệ bằng mật khẩu hoặc phần ẩn của Internet – Web đen. Khảo sát của IFAW cũng chỉ ra 44% quảng cáo là ngà voi, gần 20% quảng cáo về các loài vật nuôi độc lạ, vảy tê tê được dùng trong y học cổ truyền và sản xuất đồ da; rùa biển và các loài chim chiếm phần lớn trong buôn bán thú cưng độc lạ. Tương tự, kết quả khảo sát của WCS Việt Nam về tình hình buôn bán 05 loài ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm (bao gồm: voi, hổ, tê giác, tê tê, rùa) trên các nền tảng trực tuyến công khai bằng tiếng Việt trong giai đoạn từ tháng 9/2018 tới tháng 12/2020 chỉ ra rằng, tổng cộng có tới hơn 94.000 bài đăng (posts) quảng cáo rao bán các sản phẩm của 05 loài này. Trong đó, gần 77% là sản phẩm liên quan tới loài voi (nhẫn, vòng từ ngà voi); 9% là răng, nanh hổ; 7% là cá thể rùa sống để làm thú cưng; 6% và gần 1% lần lượt là sản phẩm từ sừng tê giác và vảy tê tê sử dụng trong y học cổ truyền.
Một trong những thách thức lớn của cơ quan thực thi pháp luật là sự ứng biến nhanh lẹ của tội phạm trực tuyến. Nếu loại bỏ buôn lậu ĐVHD trên một nền tảng trực tuyến, các đối tượng lập tức chuyển sang nền tảng trực tuyến khác. Bên cạnh đó, luật pháp về thương mại hợp pháp ĐVHD rất phức tạp và khác nhau giữa các quốc gia, chưa kể nhiều cơ quan chính phủ không đủ nguồn lực, kỹ năng để giám sát các lô hàng thực tế cũng như hoạt động diễn ra trực tuyến.
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030" (Quyết định số 2289/QĐ-TTg) trong đó nêu rõ định hướng “Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống các loại tội phạm phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao”. Đồng thời, ngày 18/11/2021, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1944/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tấn công trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm”, đặc biệt là các loại tội phạm trên không gian mạng, tội phạm về môi trường.
Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã được cập nhật một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; kiến thức về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; nhận diện các thủ đoạn sử dụng các ứng dụng mạng công nghệ thông tin, truyền thông để phạm tội buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Trên cơ sở chia sẻ những đánh giá thực tiễn hoạt động thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử trong điều tra vụ án hình sự; và hoạt động tương trợ tư pháp trong thu thập chứng cứ điện tử để giải quyết các vụ án hình sự, Hội thảo cũng là cơ hội để các kiểm sát viên, điều tra viên và giảng viên của Đại học Kiểm sát Hà Nội nhìn nhận lại công tác giám định dữ liệu điện tử nhằm rút ra những điểm lưu ý khi thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án nói chung và vụ án liên quan đến ĐVHD nói riêng.
Bà Hoàng Hải Yến, Phó Trưởng khoa Pháp luật hình sự & Kiểm sát hình sự, Đại học Kiểm sát Hà Nội nhấn mạnh những lợi thế của việc sử dụng các phương pháp điều tra, thu thập thông tin bằng nguồn mở - Open Source Intelligence (OSINT) trong nhận diện hành vi mua bán trái phép ĐVHD và cho rằng: “Nếu các cơ quan thực thi pháp luật có thể tận dụng hiệu quả hàng tỷ website (bao gồm cả các trang “deep web” và “dark web”), cũng như các trang mạng xã hội, họ hoàn toàn có thể thu được những thông tin cần thiết.”
Bà Trương Thị Hương Mai, Trưởng phòng 1, Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội, VKSND tối cao cho biết: “Chính bởi tính đặc thù của các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD mà việc thu thập chứng cứ bằng những cách thức “truyền thống” sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, nếu trong điều tra vụ án nói riêng và trong giải quyết loại án này nói chung cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được chứng cứ ở dạng “dữ liệu điện tử” sẽ là bước đột phá để chứng minh tội phạm một cách nhanh chóng và chính xác.”
Đối với các vụ án về ĐVHD có yếu tố nước ngoài, bà Nguyễn Cẩm Tú, Kiểm sát viên trung cấp, Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND tối cao cũng lưu ý: “Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp cần hết sức linh hoạt trong việc sử dụng các biện pháp điều tra để thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử, không nên tuyệt đối hoá kênh hợp tác chính thức mà đẩy tiến trình tố tụng giải quyết vụ án ở trong nước bị động và kéo dài hoặc thậm chí là tạm đình chỉ do phải chờ đợi kết quả tương trợ tư pháp tư pháp hình sự từ phía nước ngoài.”
Bên cạnh việc chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án hình sự của đại diện một số VKSND các tỉnh, thành phố, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng có thời gian và cơ hội thảo luận những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về chứng cứ là dữ liệu điện tử trong hoạt động tố tụng hình sự; đặc biệt trong quá trình giải quyết những vụ án buôn bán trái phép ĐVHD./.