Năm 2021, Việt Nam đã phát hiện hơn 1.500 vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Những số liệu này được đưa ra tại “Hội thảo về công tác phòng, chống tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã trong bối cảnh dịch COVID-19” do Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an và Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - Chương trình Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 17 tháng 12 năm 2021. Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ dự án Partners Against Wildlife Crime do Liên minh châu Âu tài trợ.
Hội thảo về phòng, chống tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã trong bối cảnh dịch COVID-19, Vĩnh Phúc, tháng 12/2021
Tham dự hội thảo có đồng chí Đại tá, Tiến sỹ Lê Thơm – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, đại diện của Tổ chức WCS cùng hơn 40 đại biểu là đại diện của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; Cục Đối ngoại; Học viện Cảnh sát nhân dân – Bộ Công an, cùng đại diện Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu của Công an 12 tỉnh, thành phố trọng điểm về buôn bán trái pháp luật ĐVHD khu vực miền Bắc và miền Trung.
Đại tá, Tiến sỹ Lê Thơm – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phát biểu tại hội thảo, Vĩnh Phúc, tháng 12/2021
Các ý kiến tham gia hội thảo đều khẳng định trong những năm qua mặc dù các cơ quan thực thi pháp luật đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tội phạm; tuy nhiên, hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, phương thức, thủ đoạn phạm tội của các nhóm đối tượng ngày càng trở nên tinh vi nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, với sự hạn chế di chuyển giữa các quốc gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trao đổi, mua bán ĐVHD và lợi dụng những kẽ hở trong lĩnh vực tài chính và phi tài chính để chuyển và che giấu tiền thu được từ hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp được dự đoán là sẽ gia tăng theo chiều hướng phức tạp. Thông qua hội thảo, các đại biểu đã đánh giá tình hình tội phạm, xác định nguy cơ phát sinh từ hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD, từ đó đưa ra các biện pháp phòng, chống loại hình tội phạm này.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang gây ra một cuộc khủng hoảng y tế cũng như suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, và nhiều nghiên cứu cho rằng dịch bệnh đã bắt nguồn từ ĐVHD, các đại biểu cho rằng đã đến lúc hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD không chỉ nhìn nhận ở góc độ tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia mà trên hết là hành vi tiềm ẩn các nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Do vậy, việc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm buôn bán trái phép ĐVHD không chỉ có ý nghĩa với việc bảo tồn các loài ĐVHD mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Để góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thực thi pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng; đồng thời thúc đẩy công tác phối hợp và chia sẻ thông tin với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thuộc khu vực châu Phi nằm trong chuỗi cung ứng trái phép ĐVHD.