Ninh Bình, ngày 25 tháng 4 năm 2021, gần 40 giảng viên đến từ Khoa Luật – Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội và 13 cơ sở đào tạo chuyên ngành luật khác trên cả nước vừa hoàn thành khóa tập huấn về “Khung pháp lý hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) và các tội phạm xuyên quốc gia khác” do Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) – Chương trình Việt Nam phối hợp với với Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội tổ chức.Gần 40 giảng viên đến từ Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội và 13 cơ sở chuyên ngành luật khác trên cả nước tham gia khóa tập huấn về "Khung pháp lý hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã và các tội phạm xuyên quốc gia khác", Ninh Bình, tháng 4, 2021
Chương trình tập huấn được thực hiện nhằm mục đích trao đổi các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học pháp lý về hợp tác quốc tế trong phòng chống, xử lý tội phạm về ĐVHD và các tội phạm có yếu tố xuyên quốc gia khác, góp phần hoàn thiện thể chế và năng lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Thông qua phần trình bày của các chuyên gia từ Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân; Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp; Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; và phần thảo luận được điều phối bởi Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội và Tổ chức WCS, các giảng viên được cập nhật các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế về phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và việc áp dụng hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự trong giải quyết các vụ án buôn bán trái pháp luật ĐVHD có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, trong khóa tập huấn, các giảng viên đã có chuyến tham quan thực tế tại Vườn Quốc gia Cúc Phương để tìm hiểu công tác cứu hộ các loài ĐVHD là vật chứng quan trọng trong các vụ án hình sự về buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
Sau khóa tập huấn, các giảng viên tham dự sẽ là những người tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng giảng dạy lồng ghép về khung pháp luật phòng, chống và xử lý tội phạm về ĐVHD tại đơn vị công tác của mình thông qua việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu, chương trình giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành luật trên toàn quốc. Đồng thời, đây cũng là bước đệm để tiến tới hình thành một mạng lưới các cơ sở đào tạo luật trên cả nước tham gia tiến hành lồng ghép giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm và tài liệu giảng dạy về bảo vệ ĐVHD.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ “Khoá tập huấn được đặt ra trong bối cảnh các tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm về buôn bán trái pháp luật ĐVHD xuyên biên giới nói riêng tại Việt Nam là vấn đề không mới về thực tiễn, nhưng vẫn tương đối mới về mặt nhận thức, chưa nhận được sự quan tâm thoả đáng của xã hội, của lĩnh vực giáo dục, của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu pháp luật. Chính vì vậy, khoá tập huấn này rất có ý nghĩa.”
Tổ chức WCS cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các hoạt động đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các giảng viên tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành tại Việt Nam thông qua các chương trình tập huấn, cập nhật thông tin và kiến thức chuyên ngành, xây dựng tài liệu và sách chuyên khảo; đồng thời kết nối các cơ sở đào tạo với các cơ quan thực thi pháp luật trong những lĩnh vực liên quan.
Khóa tập huấn này được thực hiện với sự tài trợ của Cục Đặc trách chất gây nghiện và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông qua dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD tại Việt Nam”.