Tê giác

Hiện có năm loài tê giác trên thế giới: tê giác Ấn Độ, tê giác trắng, tê giác đen, tê giác Sumatra và tê giác Java. Tê giác được tìm thấy trên khắp lục địa châu Á và châu Phi, mặc dù vậy, quần thể tê giác đang giảm mạnh ở cả hai lục địa này. Quần thể tê giác châu Phi lớn nhất có thể được tìm thấy ở Nam Phi và quần thể tê giác Châu Á lớn nhất là ở Ấn Độ.

Trước đây, tê giác Java sinh sống ở Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, và có thể ở cả miền nam Trung Quốc, từ bán đảo Malaysia đến đảo Sumatra và Java. Tuy nhiên, hiện nay người ta tin rằng tê giác Java chỉ có thể được tìm thấy trên đảo Java của Indonesia. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp tê giác Java vào danh mục loài cực kỳ nguy cấp với số lượng còn lại chỉ khoảng 40-60 cá thể tại đảo Java.

Tê giác Java (Rhinoceros sondaicus annamiticus) được khẳng định là đã tuyệt chủng ở Việt Nam vào tháng 10 năm 2011 trong quá trình khảo sát. Bằng chứng thu thập được xác nhận con tê giác cuối cùng đã bị thợ săn ở khu vực Cát Lộc thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, phía Nam Việt Nam bắn chết.

Các mối đe dọa

Nạn săn bắt trộm tê giác là mối đe dọa lớn nhất đối với quần thể tê giác. Bằng chứng cho thấy săn bắt trộm là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của hầu hết các quần thể tê giác trên toàn thế giới. Tê giác bị săn bắt chủ yếu để lấy sừng phục vụ cho hoạt động buôn bán trái pháp luật trên toàn cầu và Việt Nam được xác định là một thị trường tiêu thụ lớn, cũng như là điểm trung chuyển phân phối đi khắp châu Á. Sừng tê giác được sử dụng cho mục đích trang trí hoặc làm thuốc y học cổ truyền.

Nạn săn trộm tê giác gia tăng trong những năm 1970 và 1980 do nhu cầu cao về sừng tê giác ở châu Á và Trung Đông. Tính riêng Châu Phi, năm 2006 có 60 con tê giác bị giết hại, nhưng đến năm 2015, đỉnh điểm của nạn săn bắn bất hợp pháp, có tới 1.349 cá thể tê giác bị tàn sát để lấy sừng, tính trung bình có 3 - 7 cá thể tê giác bị bắn chết mỗi ngày.

Trong y học cổ truyền, nhiều người tin rằng sừng tê giác có thể giúp chữa từ các bệnh đơn giản như say rượu đến những bệnh nghiêm trọng như ung thư. Cộng đồng khoa học và các cơ quan bảo tồn đã tiến hành phân tích sừng tê giác để chứng minh rằng chúng được làm từ keratin (chất tương tự được tìm thấy trong tóc và móng tay người) và do đó không có giá trị về mặt y học. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu khoa học này không được nhiều người chú ý, bởi vẫn còn nhiều người sử dụng sừng tê giác như vật trang trí để thể hiện quyền lực và đẳng cấp.

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ và buôn bán sừng tê giác lớn và cũng là nơi xuất hiện các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức. Sừng tê giác được nhập khẩu trái pháp luật chủ yếu từ châu Phi và được sử dụng ở Việt Nam, và trung chuyển trái phép qua biên giới sang Trung Quốc.

Chúng tôi đang làm gì?

WCS Việt Nam làm việc với các cơ quan của chính phủ Việt Nam, hỗ trợ xây dựng năng lực và cung cấp thông tin về chính sách nhằm nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Chúng tôi nghiên cứu về các đường dây buôn bán, các địa điểm buôn bán/chế biến động vật hoang dã trái pháp luật, và chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật để điều tra và ngăn chặn.

Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu, giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã; khả năng lây truyền bệnh giữa người và động vật hoang dã.
Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật ở cả cấp trung ương và địa phương, trong đó có cảnh sát và kiểm lâm, cũng như hỗ trợ kỹ thuật như cung cấp thông tin, kỹ năng giám định loài, tư vấn về pháp luật nhằm mục tiêu triệt phá các mạng lưới tội phạm lớn.

 

Nguồn:

Emslie, Richard & Milliken, Tom & Talukdar, Bibhab & Ellis, Susie & Adcock, Keryn & Knight, Michael. (2019). African and Asian Rhinoceroses-Status, Conservation and Trade A report from the IUCN Species Survival Commission (IUCN SSC) African and Asian Rhino Specialist Groups and TRAFFIC to the CITES Secretariat pursuant to Resolution Conf. 9.14 (Rev. CoP15).

Brook, S., Van Coeverden de Groot, P., Mahood, S., and Long B. (2011). Extinction of the Javan Rhinoceros (Rhinoceros sondaicus) from Vietnam. World Wildlife Fund Report.

van Strien, N.J., Manullang, B., Sectionov, Isnan, W., Khan, M.K.M, Sumardja, E., Ellis, S., Han, K.H., Boeadi, Payne, J. & Bradley Martin, E. 2008. Dicerorhinus sumatrensis. The IUCN Red List of Threatened Species 2008: e.T6553A12787457. www.iucnredlist.org. Downloaded on 07 July 2017.

Copyright 2007-2021 by Wildlife Conservation Society

WCS, the "W" logo, WE STAND FOR WILDLIFE, I STAND FOR WILDLIFE, and STAND FOR WILDLIFE are service marks of Wildlife Conservation Society.

Contact Information
Address: 2300 Southern Boulevard Bronx, New York 10460 | (718) 220-5100