Tê tê

Trên toàn thế giới có tám loài tê tê khác nhau, bốn loài phân bố ở châu Phi và bốn loài phân bố ở châu Á. Tê tê có đặc điểm khá độc đáo, toàn thân chúng có lớp vảy cứng keratin bao bọc, tạo thành một hàng rào giúp ngăn chặn kẻ thù. Đây là ví dụ duy nhất về kiểu phòng vệ này ở một loài động vật có vú. 

Tại Việt Nam có hai loài tê tê sinh sống là tê tê Java (Manid javanica) và tê tê vàng (Manis pentadactyla). Hai loài này có phân bố tách biệt, tê tê Java sinh sống ở phía Nam và tê tê vàng ở phía Bắc, chúng thường được tìm thấy sinh sống trong rừng và những nơi kín đáo trong tự nhiên. Chính vì vậy, việc nghiên cứu số lượng loài này gặp nhiều khó khăn.

Cả hai loài tê tê Java và tê tê vàng đều nằm trong danh mục loài cực kỳ nguy cấp theo chuẩn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) do một số lượng đáng kể các loài này đã bị buôn bán trái pháp luật trong vòng hai thập kỷ qua. Mặc dù khó xác định số lượng, ước tính quần thể hai loài này đã giảm 80-90% trong ba thập kỷ gần đây. 

Các mối đe dọa


Mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của tê tê là nạn săn bắt và buôn bán trái phép tê tê và các sản phẩm của chúng. Năm 2016, Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) đã quyết định đưa tê tê vào Phụ lục 1, mang đến mức độ bảo vệ cao nhất cho loài này, đồng nghĩa các hoạt động buôn bán tê tê là trái pháp luật nếu không có giấy phép phù hợp. 

Tê tê chủ yếu bị săn bắt nhằm phục vụ các hoạt động kinh doanh thịt thú rừng và làm thuốc y học cổ truyền. Y học cổ truyền trước đây cho rằng vảy tê tê có thể điều trị các vấn đề về da, huyết áp thấp, kích thích tiết sữa ở phụ nữ cho con bú, hay chữa ung thư. Thịt tê tê được coi là món ăn cao cấp của những người có tiền, với giá thành rất cao cho mỗi kg thịt.

Tại Việt Nam, tê tê bị săn bắt phục vụ mục đích tiêu thụ trong nước và buôn bán quốc tế. Việt Nam đồng thời cũng là quốc gia trung chuyển hoạt động nhập khẩu tê tê giữa châu Á và châu Phi, sau đó tái xuất sang các quốc gia khác, như Trung Quốc. 

Chúng tôi đang làm gì? 

WCS Việt Nam làm việc với các cơ quan của chính phủ Việt Nam, hỗ trợ xây dựng năng lực và cung cấp thông tin về chính sách nhằm nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Chúng tôi nghiên cứu về các đường dây buôn bán, các địa điểm buôn bán/chế biến động vật hoang dã trái pháp luật, và chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật để điều tra và ngăn chặn.

Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật ở cả cấp trung ương và địa phương, trong đó có cảnh sát và kiểm lâm, cũng như hỗ trợ kỹ thuật như cung cấp thông tin, kỹ năng giám định loài, tư vấn về pháp luật nhằm mục tiêu triệt phá các mạng lưới tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. 

 

Nguồn:

Challender, D., Nguyen Van, T., Shepherd, C., Krishnasamy, K., Wang, A., Lee, B., Panjang, E., Fletcher, L., Heng, S., Seah Han Ming, J., Olsson, A., Nguyen The Truong, A., Nguyen Van, Q. & Chung, Y. 2014. Manis javanica. The IUCN Red List of Threatened Species 2014.www.iucnredlist.org. Downloaded on 07 July 2017. 

Challender, D., Baillie, J., Ades, G., Kaspal, P., Chan, B., Khatiwada, A., Xu, L., Chin, S., KC, R., Nash, H. & Hsieh, H. 2014. Manis pentadactyla. The IUCN Red List of Threatened Species 2014.www.iucnredlist.org. Downloaded on 07 July 2017.

Newton, P., Nguyen, T., Roberton, S., & Bell, D. (2008). Pangolins in peril: using local hunters’ knowledge to conserve elusive species in Vietnam. Endangered Species Research, 6, 41-53. doi:10.3354/esr006041

 

Copyright 2007-2021 by Wildlife Conservation Society

WCS, the "W" logo, WE STAND FOR WILDLIFE, I STAND FOR WILDLIFE, and STAND FOR WILDLIFE are service marks of Wildlife Conservation Society.

Contact Information
Address: 2300 Southern Boulevard Bronx, New York 10460 | (718) 220-5100