Trên thế giới hiện có 3 loài voi: voi đồng cỏ châu Phi (Loxodonta africana), voi rừng châu Phi (Loxodonta cyclotis) và voi châu Á (Elephas maximus). Voi châu Phi được tìm thấy trên khắp lục địa châu Phi, từ vùng hoang mạc sa mạc Sahara đến những khu rừng phía Trung và Tây Phi. Voi châu Á phân bố trải dài từ bờ biển Iran của Tây Á đến phía đông khu vực sông Trường Giang của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay chúng chỉ còn các quần thể rải rác ở các nước Nam Á và Đông Nam Á.
Vào cuối thế kỷ 20, ước tính có khoảng vài triệu cá thể voi ở châu Phi và có khoảng 100.000 cá thể ở châu Á. Nhưng ngày nay, quần thể hoang dã của chúng đã giảm xuống đáng kể, chỉ còn 350.000-500.000 cá thể ở châu Phi và 35.000 - 50.000 cá thể ở châu Á, nguyên nhân chủ yếu do nạn săn bắt trái phép tràn lan phục vụ việc buôn bán ngà voi. Voi châu Á đã được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê vào danh sách các loài nguy cấp từ năm 1986.
Từ 1.500-2000 cá thể vào những năm 1990, đến nay số lượng voi hoang dã tại Việt Nam chỉ còn khoảng 124 đến 148 cá thể voi hoang dã, phân bố chủ yếu tại 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. Phân loài voi sinh sống tại Việt Nam là voi Châu Á, được xếp vào bậc Nguy cấp trong danh mục sách Đỏ của IUCN, bậc Cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam và nằm trong Phụ lục I của Công ước CITES. Bảo tồn voi vẫn luôn là vấn đề được Việt Nam quan tâm, thể hiện qua các chương trình, đề án, kế hoạch hành động bảo tồn voi từ rất sớm.
Các mối đe dọa
Nạn săn bắt trộm là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của quần thể voi trên thế giới. Voi bị săn bắn lấy ngà để phục vụ cho hoạt động buôn bán trái pháp luật trên toàn cầu và Việt Nam được xác định là một thị trường tiêu thụ lớn sản phẩm từ ngà voi, cũng như là điểm trung chuyển phân phối ngà voi đi khắp châu Á. Ở Việt Nam, hầu hết ngà voi được chế tác thành đồ trang sức, điêu khắc và tạo tác tôn giáo.
Chúng tôi đang làm gì?
WCS Việt Nam làm việc với các cơ quan của chính phủ Việt Nam, hỗ trợ xây dựng năng lực và cung cấp thông tin về chính sách nhằm nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Chúng tôi nghiên cứu về các đường dây buôn bán, các địa điểm buôn bán/chế biến động vật hoang dã trái pháp luật, và chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật để điều tra và ngăn chặn.
Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu, giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã; khả năng lây truyền bệnh giữa người và động vật hoang dã.
Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật ở cả cấp trung ương và địa phương, trong đó có cảnh sát và kiểm lâm, cũng như hỗ trợ kỹ thuật như cung cấp thông tin, kỹ năng giám định loài, tư vấn về pháp luật nhằm mục tiêu triệt phá các mạng lưới tội phạm lớn.
Nguồn:
Báo cáo Đề án Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020.
Báo cáo Kết quả thực hiện Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020.
Choudhury, A., Lahiri Choudhury, D.K., Desai, A., Duckworth, J.W., Easa, P.S., Johnsingh, A.J.T., Fernando, P., Hedges, S., Gunawardena, M., Kurt, F., Karanth, U., Lister, A., Menon, V., Riddle, H., Rübel, A. & Wikramanayake, E. (IUCN SSC Asian Elephant Specialist Group). 2008. Elephas maximus. The IUCN Red List of Threatened Species 2008. www.iucnredlist.org. Downloaded on 07 July 2017.