Pembient còn hợp tác với một nhà máy bia ở Bắc Kinh (TQ) để sản xuất “bia sừng tê giác”, dự định ra mắt sản phẩm này vào cuối năm 2015. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc hiện bị coi là hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới. Những động thái này của Pembient đã lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD).

Để tạo ra sừng tê giác nhân tạo, Pembient đã sử dụng công nghệ sinh học và dựa trên nguồn gene của sừng tê giác thật. Theo đó, chuỗi gene ngắn của chất keratin từ sừng tê giác thật sẽ được cấy lên nấm hoặc vi khuẩn để tạo thành chất liệu hình thành nên sừng tê giác nhân tạo. Công ty này cũng có kế hoạch tạo “một nguồn cung cấp sừng tê giác khổng lồ với giá chỉ bằng 1/8 mức giá hiện nay trên thị trường” và kỳ vọng sản phẩm của họ sẽ “thật” đến mức phải bỏ ra chi phí cực kỳ đắt đỏ mới có thể phân biệt với sừng tê giác thật.

Trước thực trạng này, mới đây, Liên minh Các tổ chức bảo tồn ĐVHD gồm: Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) của VN và một số tổ chức quốc tế (như: Annamiticus, Wild Aid, David Shepherd Wildlife Foundation, Born Free Foundation, Environmental Investigation Agency, Outraged South African Citizens Against Poaching, WildlifeRisk-Hong Kong và African Wildlife Foundation) đã đưa ra tuyên bố chung phản đối việc sử dụng sừng tê giác nhân tạo. Liên minh này cảnh báo việc buôn bán sừng tê giác nhân tạo không những kích thích nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác thật mà còn gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc phân biệt sừng tê giác thật và nhân tạo.

Tại Việt Nam, sừng tê giác không chỉ được sử dụng như một loại “thần dược” chữa bách bệnh, mà còn thể hiện đẳng cấp xã hội, nhưng kết quả một nghiên cứu của TRAFFIC cho thấy 90% số sừng tê giác được bán tại Việt Nam là giả. Giám đốc của Tổ chức Outraged South African Citizens Against Poaching - bà Allison Thompson - đã kịch liệt phản đối kế hoạch của Pembient: “Khi mà những nhà bảo tồn tại Nam Phi đã vô cùng mệt mỏi về thể chất và tinh thần trong cuộc chiến bảo vệ tê giác, ý tưởng của một số công ty Mỹ hiện muốn làm giàu bằng cách gia tăng các mối đe doạ lên những cá thể tê giác là không thể chấp nhận được…”. Bà Rhishja Cota-Larson - người sáng lập Annamiticus - cho biết: “Pembient hoàn toàn không hiểu gì về thực trạng của nạn buôn bán ĐVHD. Họ cũng không hề tính đến những tác động tiêu cực mà sản phẩm này gây ra cho hoạt động thực thi pháp luật ở châu Phi và châu Á”.